TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap III B)

Sunday, December 18, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập III B 8)

Tệp 8 – Tập III Blog B
(PHÂN ĐOẠN 2 TRUYỆN KÍ THỨ 10)


TRẦN XUÂN AN

BI KỊCH Ở ĐỈNH ĐIỂM MÂU THUẪN
VÀ SỰ CHIẾN THẮNG
CỦA NHÓM CHỦ CHIẾN YÊU NƯỚC TẠI TRIỀU ĐÌNH


Truyện kí thứ mười
(phân đoạn 2)

3

Chiếc kiệu của đại thần Trần Tiễn Thành được phép ngừng ngay trước tam cấp ngôi nhà vuông phía sau Tả vu Điện Cần chánh, nơi Viện – Bạc dùng làm chỗ bàn thảo các việc cơ mật. Mặc dù ngoài bệnh lị mạn tính, kinh niên, Trần Tiễn Thành còn mắc một bệnh mạn tính khác là phong thấp, hai chân tê buốt, khó đi đứng, ông ta vẫn tham dự các cuộc họp quan trọng của Viện Cơ mật, chỉ xin miễn vào chầu mỗi khi thiết triều. Những người lính hầu cận dìu Trần Tiễn Thành vào bộ trường kỉ chạm xà cừ được đặt ở gian giữa. Ở đó, đã có hai đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, cùng hai người phụ tá được tin cậy nhất của Viện.
Sau lời thăm hỏi thường lệ, cuộc họp của ba đại thần, thực chất là lãnh đạo tất cả các mặt của Đất nước, bắt đầu.
- Sức khoẻ tôi quá tệ, do đó, xin đại thần Nguyễn Văn Tường chủ trì cuộc họp cho. – Trần Tiễn Thành nói với giọng mỏi mệt của một ông lão bảy mươi mốt tuổi đang bị bệnh hành hạ, mặc dù da thịt vẫn hồng hào, đỏ đắn, khiến người ta tưởng ông ấy giả vờ –.
- Vâng, nếu thế xin mạn phép. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường nói –. Tôi xin lướt qua vài nét về tình hình nội bộ triều đình, kể cả việc nội cung, đã chuẩn bị đình nghị. Sau đó, Viện Cơ mật – Thương bạc chúng ta sẽ bàn về việc cử sứ bộ sang nước Thanh để báo tang, đề nghị sắc phong cho tân vương (27). Vấn đề thứ ba là tình hình giặc Pháp, “tả đạo” tại Bắc Kì và ở một vài nơi khác (28). Trong đó, sẽ một lần nữa xác định lại quyết sách và chủ trương chung của chúng ta. – Ngừng lại, rồi thượng thư Nguyễn Văn Tường nói tiếp –. Về việc tấn tôn Từ Dũ thái hoàng thái hậu Phạm thị, lệnh từ của tiên đế Tự Đức, tấn phong Khiêm hoàng hậu Vũ thị, dưỡng mẫu của Dục Đức, đó là việc thực hiện di chiếu, di chúc; và việc tấn phong hoàng thái phi Trương thị, thân mẫu của vua Hiệp Hoà, cũng là cách xử trí linh hoạt, quyền biến nhưng hợp với luật lệ, hợp với các điển lệ trong sách sử (29). Hoàng thân Tuy Lý vương Miên Trinh cùng các quan Nội các, Sử quán, Quốc tử giám đã nghiên cứu kĩ (29). Vua Hiệp Hoà cũng đã tâu lên Từ Dũ thái hoàng thái hậu. Ngài đã cho thi hành (29).
Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói:
- Như vậy là ổn rồi. Cái chính là tình hình giặc Pháp.
- Trước khi bàn nội dung chính ấy,– Thượng thư Nguyễn Văn Tường lại nói –, tôi đề nghị chúng ta bàn thêm việc cử sứ bộ sang Trung Hoa nhà Thanh. Đình thần cử tuần phủ Lạng Bằng Lã Xuân Oai sung chức hậu mệnh chánh sứ, trực học sĩ toản tu ở Sử quán là Nguyễn Khuyến (nhà thơ tam nguyên Yên Đổ) làm phó sứ (27).
- Vậy là hợp lí rồi. Nếu đi đường bộ không tiện, thì đi đường biển.
- Về giặc Pháp, sau khi tên đại tá Lý Ba Lợi (Vy Ê [:Henry Rivière]) bị quân họ Lưu do thống đốc họ Hoàng điều khiển hạ sát, hồi tháng tư nguyệt lịch Quý mùi (1883), chính phủ Pháp nhất trí theo Bộ Hải quân và Thuộc địa của chúng cử tên Mai De (Meyer) sang Bắc Kì thay thế. Ở nước Pháp, do hiện nay lực lượng viễn chinh xâm lược của chúng ở Địa Trung Hải, Ai Cập, Tunysie đã ổn định được tình hình, vì thế, nhân dịp này, bọn Pháp cầm chính quyền đang tuyên truyền rùm beng cho tên giặc văn sĩ Henry Rivière, để kích động nhân dân Pháp ủng hộ chúng trong việc xâm lược Bắc Kì. Chính phủ Pháp gồm các tên xâm lược đã đồng thuận việc đánh chiếm Bắc Kì. Tên tướng Bouet đã dẫn thêm quân và tàu chiến tới Bắc Kì với số lượng khá nhiều. Hiện nay, tên tướng khác, là Cô Bi (Courbet), cũng đã đến tăng cường. Còn tên y sĩ Hà A Măng (Harmand), thời trước cùng An Nghiệp Ngạc Nhe (Françis Garnier) xâm chiếm Bắc Kì, sau này làm lãnh sự ở kinh đô Băng Cốc nước Xiêm, đang được bọn chóp bu ở Pháp cử làm cao uỷ Trung – Bắc Kì, thống lãnh cả các tên tướng Meyer, Bouet, Courbet (28). Bọn chúng còn dự định đánh vào cửa hải phòng kinh đô là Thuận An. Viện Cơ mật ta đã được các tin quân báo của các quân thứ ở Bắc Kì tâu vào. Việc này, bản tâu của Viện ta hôm trước đã đề cập và nhận định rằng, chúng “đến cửa Thuận An bắt hiếp phải hoà, ta cũng khó giành được phần thắng” (24) . Do đó, lúc quan đại thần Trần Tiễn Thành bệnh, tôi và đại thần Tôn Thất Thuyết đã quyết định lấy tấn công làm phòng thủ, tức là muốn khỏi bị bọn Pháp tấn công Thuận An, thì phải tấn công vào sào huyệt của chúng tại Bắc Kì, nhắm vào binh lực của chúng đang tập trung ngoài ấy. – Thượng thư Nguyễn Văn Tường trình bày, lại nói với vẻ căm giận –. Thế mà hiện nay, thuế quan tấn ở Hà Nội, phái viên Pháp thu lấy, không cho quan ta biên sao theo thương ước Giáp tuất 1874, có nghĩa là chúng ngang ngược đơn phương chiếm giữ lấy tiền thuế thu được (30). Ở cửa biển Thi Nại tỉnh Bình Định, trước đây, cũng như tên khâm sứ Rheinart tại kinh đô Huế, lãnh sự ở đấy đã bỏ chạy, nay chúng lại đem tàu binh đến đỗ, toan tính lại đến thu thuế thương chính! “Trước đây lãnh sự nước Pháp từ biệt ra đi [như Rheinart rời Huế], trụ sở giao cho quan tỉnh trông coi. Đến nay nước Pháp [đem] tàu đậu ở cửa biển, đến xem trụ sở, và hỏi mỗi tháng thu thuế được bao nhiêu” (31) ! Và cũng trong thượng tuần tháng bảy này, tàu chiến nước Pháp lại đỗ ở cửa biển Tư Hiền (tỉnh Thừa Thiên), cho lính xuống thuyền ván gỗ sam vào đo lường mực nước cửa biển, rồi chạy đi (32). Tầu của bọn giặc Pháp lại đến ba chiếc, đỗ ở Đồn thuỷ Hà Nội, đào chân đê, đắp đường sá, làm luỹ hàng rào, ổ súng (33). Lại có thêm sáu chiếc tàu binh Pháp từ Bắc Kì chạy đến cửa biển Trà Úc (Quảng Nam) (34)! Viện – Bạc chúng ta đã tâu: “Phái viên nước Pháp từ trước chỉ làm việc ở Bắc Kì. Hai bên giữ nhau. Chúng lại bỏ đấy mà mưu toan chỗ khác, thì bởi quân thứ Bắc Kì giữ lâu cho giặc được rỗi thì giờ. Chúng mưu tính chỗ khác, thì sức lực chia ra. Quan quân thứ không nhân lúc này tiến đánh ngay, còn đợi lúc nào? Xin tư ngay cho hai quân thứ Sơn Tây, Bắc Ninh biết rõ tình hình ấy, lập tức phải đánh ngay, để bắt buộc thế giặc” (35). Hôm ấy, “vua cho lời tâu ấy là phải, sai lục sức ngay… vì nước Pháp phái tàu binh đến cửa Trà Úc rất nhiều, giáp gần với cửa Thuận An” (35) .
Thượng thư Nguyễn Văn Tường ngừng lại, nhấp một ngụm nước trà đã nguội, lại nói:
- Như vậy, ngày càng rõ là thế cưỡi hổ đã thành, buộc chúng ta phải cùng với chúng quyết một phen sống chết, một mất, một còn, vì tình hình ngoại giao ở Bắc Kinh, với sự trợ giúp của Lý Hồng Chương, ở Anh, Pháp với sự trợ giúp của Tăng Kỷ Trạch, xem như bị bế tắc. Mấy tháng trước, lãnh sự Pháp Bảo Hải (Bourée) đã bị điều về Pháp, Lý Cố (Tricou) đã sang thay, quyết không chịu điều đình! Sứ bộ ta do chánh phó sứ Phạm Thận Duật, Nguyễn Thuật ở Thiên Tân (Trung Hoa) và Nguyễn [Thượng] Phiên ở Quảng Đông (Trung Hoa), cũng thương thuyết không có kết quả gì (36). Nguyên nhân là chính phủ thực dân Pháp quyết từ chối mọi điều đình với Trung Hoa nhà Thanh về Đại Nam ta! Rõ ràng thế cưỡi hỗ đã thành, nhưng chiến thuật lấy tấn công làm phòng thủ cũng không có kết quả cao ở Bắc Kì! Tên Harmand lại vừa đưa yêu sách như một thứ chiến thư (37)! Trước tình hình như vậy, xin các đại thần chúng ta cho ý kiến để tâu lên quyết sách của Viện Cơ mật ta.
Đại thần Viện Cơ mật trẻ tuổi nhất là thượng thư Tôn Thất Thuyết. Ông muốn giữ lễ, nhưng vốn là một tướng võ, không kìm được tức giận, liền nghiến răng, nắm tay đóng mạnh xuống mặt bàn:
- Như vậy là phải một phen sống chết! Tôi đã tăng cường phòng thủ ở cửa Thuận An, quyết chiến với tinh thần “chết vinh hơn sống nhục”! Các tướng Lê Sỹ, Lâm Hoành, Nguyễn Trung và Ông Ích Khiêm, Trương Văn Đễ đã hạ quyết tâm với tôi như thế! Ở kinh thành, thự chưởng phủ sự Tôn Thất Thế, thự đô thống Hồ Văn Hiển, thự thống chế Đinh Tử Lượng, lãnh đề đốc phủ Thừa Thiên Tôn Thất Côn cùng với một viên tướng tài Trần Xuân Soạn, tiến sĩ võ khoa Vũ Văn Đức cũng quyết tâm như vậy (38)!
Thần Tiễn Thành, vốn vừa ngán sợ, vừa cảm phục đại thần Tôn Thất Thuyết, liền giấu một nụ cười nhạt. Ông ta nói:
- Nhưng hoàng thượng Hiệp Hoà đã sai tham tri Bộ Binh Nguyễn Thành Ý cùng viên hành nhân linh mục Nguyễn Hữu Cư xuống cửa biển Thuận An theo chiến thư của Harmand để thương thuyết (39)!
Nguyễn Hữu Cư, tên giáo sĩ nhị trùng suýt chút nữa là ngang nhiên ra vào nội cung để điều khiển Dục Đức (Ưng Chân), không những được khoan tha, miễn bị xử tội một lượt với mười bốn tên tay chân trong bọn Nguyễn Như Khuê, nay vẫn được triều đình Hiệp Hoà sử dụng với chức năng hành nhân (thông ngôn), trực thuộc Nha Thương bạc, bên ngoài kinh thành.
Thượng thư Tôn Thất Thuyết không thể không thấy nóng bừng cả đầu vì tức giận. Ông không ngờ vua Hiệp Hoà lại dám tự quyết định không thông qua tập thể hội đồng các quan phụ chính! Rõ ràng ông và thượng thư Nguyễn Văn Tường không hay biết điều đó! Mới đây, việc tàu Pháp vào cửa biển Tư Hiền, ông và thương thư Nguyễn Văn Tường đã quyết định: “Nếu [tàu Pháp] vào nhiều quá (ba, bốn chiếc trở lên) thì thương thuyết ngăn lại không cho, do quan cửa biển ấy theo ước thúc làm ngay [theo “hoà” ước, giục quân đánh ngay] cho kịp việc” (40) . Bấy giờ, vua Hiệp Hoà bảo: “Hai đồn đóng giữ cửa biển ở kinh vừa không đủ trông cậy. Nếu không biết cơ nghi, hiểu lí thế, thì không được. Nên giữ gìn mà thôi, không nên gây hiềm khích” (40) . Không phải hai thượng thư Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết muốn gây hiềm khích, nhưng, “hoà ước rõ ràng, mà chúng dám coi thường như thế, thì hoà ước cũng không đủ cậy. Ta đã chịu khuất, không dám tranh đua sức mạnh, mà chúng cũng chưa từng thương kẻ yếu” (24) ! Dẫu sao, cũng không thể đầu hàng, mà phải quyết sử dụng chiến thuật lấy tấn công làm phòng thủ. Nhưng vua Hiệp Hoà sau những tuần chịu ảnh hưởng của hai đại thần chủ chiến là ông và thượng thư Nguyễn Văn Tường, nhà vua lại ngã về phía chủ “hoà”; thậm chí đang lúc dầu sôi lửa bỏng ngay tại kinh đô, vua Hiệp Hoà còn vun quén cho thân mẫu, người thân bên phi tần và bên ngoại như Lê Văn Phú, Nguyễn Duy Thiện (41)…
Ba đại thần Viện – Bạc lại bàn về vụ Nguyễn Văn Thịnh lộng ngôn, bất tốn.
“Lúc bấy giờ [thượng tuần tháng bảy nguyệt lịch Quý mùi (1883)], người xã Long Hồ (huyện Hương Trà) là Nguyễn Văn Thịnh đi đến bến đò Vạn Xuân (gần [kinh] thành, ngoài cửa Tây nam), nhân say rượu, nói liên thanh, nói đến việc tự tiện bỏ vua này, lập vua khác, nói nhiều câu bất tốn. Bọn [Nguyễn Văn] Tường, [Tôn Thất] Thuyết tâu xin đem chém bêu đầu ở chỗ phạm tội. Vua không nghe, cho đổi làm trảm giam hậu… […] …” (42) .
Thượng thư Tôn Thất Thuyết nói:
- Miệng bọn đầu hàng, ngu muội thời nào cũng có. Hiện nay có nhiều kẻ còn cho tôi và thượng thư Nguyễn Văn Tường là “quyền thần”, “làm bậy”! Tên thường dân Nguyễn Văn Thịnh này mượn rượu để nói lộng ngôn, bất tốn, nhưng hắn ta nào hiểu ất giáp gì về vụ việc! Chả là ngay trước khi tên Thịnh này dám táo gan, Viện – Bạc tâu xin nhà vua ra sắc dụ với tinh thần “lấy tấn công làm phòng thủ”. Mấy bản sắc dụ quyết chiến ấy khiến bọn chủ “hoà”, đầu hàng, bọn “tả đạo” điên tiết. Chúng thuê tiền tên Nguyễn Văn Thịnh hoặc tuyên truyền kích động hắn ta, phục rượu hắn ta, nên mới thế! Hắn ngu muội, lại chửi rủa tôi và thượng thư Nguyễn Văn Tường đây! Thực ra, chỉ sợ nhân tâm, lòng dân dao động… Nhưng nhà vua không duyệt, chuẩn y, thì tôi nào dám chém ai! Một tên dân thường “mượn rượu chửi đại thần” như Nguyễn Văn Thịnh, tôi không dám tự ý trảm quyết, thì “quyền thần” ở chỗ nào? Quyết đánh giặc Pháp, lấy tấn công làm phòng thủ là “làm bậy” chăng?… Những kẻ như tên Nguyễn Văn Thịnh không hiểu rằng, không có việc “bỏ vua này, lập vua khác” thì, không tốn một viên đạn, giặc Pháp và “tả đạo” ung dung đặt ngai vàng “quan Pháp bảo hộ” song song với ngai vàng vua Đại Nam ta!
Thượng thư Tôn Thất Thuyết những muốn dùng từ “ngu trung” để chỉ những người dân ngu muội về chính sự như Nguyễn Văn Thịnh, nhưng tự thấy cũng không cần nói rõ làm gì! Thật ra, ông tự thấy với bản tính quan võ, quen ở trận mạc, trước ba quân vốn xem “quân lệnh như sơn”, ông cũng đã vừa nói những câu hơi thiếu dè dặt, rào đón, cẩn trọng…
Trong thâm tâm, hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết thừa hiểu, vua Hiệp Hoà đến nay cũng rất muốn chủ “hoà”, lại bị sức ép nào đó, cho nên giảm án thành “tội chém nhưng giam lại chờ xét”… Hay vua Hiệp Hoà không hiểu rằng có phe cánh, thế lực nào đó đã “đạo diễn” vụ Nguyễn Văn Thịnh “mượn rượu chửi đại thần” để truất bỏ “quyền thần” (!) chăng?…
Rốt cùng, sau khi bàn xong vài vấn đề nhỏ khác, thượng thư Nguyễn Văn Tường nêu câu hỏi về điều bức thiết, nghiêm trọng nhất:
- Ý kiến của quan lớn Trần Tiễn Thành là như thế nào trước tình hình dầu sôi lửa bỏng này, giặc de doạ bức bách cửa biển Thuận An bằng tàu chiến, súng đạn với dự thảo “hoà” ước mới gồm hai mươi bảy khoản mà hồi sinh thời, tiên đế Tự Đức đã quyết phản đối, phản đối nhưng rồi phải chấp nhận qua quýt để hoãn binh, và cuối cùng là quyết liệt phản đối cả phụ ước kiểu Tunysie kèm vào “hoà” ước Giáp tuất 1874 (43) lẫn dự thảo “hoà” ước mới gồm hai mươi bảy khoản ấy?
- Tôi vẫn chủ “hoà”. Nếu không thì thua sạch, mất tất cả! – Trần Tiễn Thành đáp với giọng run run của một người già –.
Cuộc họp Viện Cơ mật của ba đại thần với hai ý kiến quyết chiến và một ý kiến “hoà” (“hoà” có nghĩa là nhân nhượng, đầu hàng). Trong khi đó, trước tình hình căng thẳng nhất, căng thẳng chưa từng có trước đây, là lúc này, đình thần lại phân hoá. Sở dĩ ở cuộc họp Viện – Bạc này, Trần Tiễn Thành không cáo ốm cũng vì phe cánh chủ “hoà” lại đông hơn, một khi vua Hiệp Hoà đã cố thoát khỏi ảnh hưởng chi phối của hai đại thần chủ chiến Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, gần như ngã hẳn về phe chủ “hoà”, mặc dù nhà vua còn nể nang.
Ngay sau cuộc họp, bản tâu được đệ trình lên vua Hiệp Hoà, thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết liền nai nịt chiến bào, dẫn quân xuống thành Trấn Hải tại cửa biển Thuận An.

4

Bấy giờ, tháng bảy nguyệt lịch, Quý mùi (1883), còn thuộc vào năm thứ ba mươi sáu của niên hiệu Tự Đức, mặc dù vua Tự Đức đã băng hà. Tại Hải Phòng ngoài Bắc, có mặt tên Harmand, hiện là cao uỷ Trung – Bắc Kì, một chức vụ của giới cầm quyền chóp bu Pháp phong cho y, như thể Trung – Bắc Kì đã thuộc về tay chúng. Harmand đang đảm trách phần hành trước đây còn thuộc quyền tên thống đốc Nam Kì, bởi lẽ hiện nay, tại Bắc Kì, quân thuộc bọn Pháp đông đảo nhất từ trước đến nay: Số lượng hạm đội và quân binh viễn chinh Pháp, cộng với sáu trăm (600) tên ngụy Cờ Vàng, vốn là giặc Cờ, giặc khách (Hán gian) do tên Georges Vlavianos (“ông” Kiều), nguyên là tay chân của Jean Dupuis thuở nọ, chiêu tập làm tay sai, và còn có thêm số quân ma tà (giáo dân “tả đạo”) của các cố đạo thực dân (44). Harmand còn có chỉ thị, xui người Bắc Kì chống người Trung Kì (44)… Lúc này, Harmand đang cùng hai tên tướng viễn chinh Pháp họp bàn. Đó là thiếu tướng lục quân Bouet và thiếu tướng hải quân Courbet (44).
Ba tên thực dân cao cấp của Pháp quyết định tấn công Hải Dương, để uy hiếp Bắc Kì, trong khi đó, chúng xác định mũi tấn kích quyết định là Thuận An, cửa ngõ của kinh đô Huế, nhằm buộc triều đình Đại Nam phải đầu hàng (44).
Các quan tỉnh Hải Dương trước đây đã tuân dụ quyết chiến và dời thành của tỉnh về xã Phúc Cầu, huyện Đường An để xa đường sông, tàu thuỷ Pháp khó tấn công (45). Tất cả tiền bạc, gạo dự trữ và khí giới đều chuyển về đó, nhưng phân tán để tránh trường hợp như thành Hà Nội, thất thủ vì kho thuốc súng bị phá nổ. Tại thành cũ, chỉ còn phó lãnh binh quan Nguyễn Viết Vinh đóng giữ. Án sát Lê Mộ Khải, đề đốc Tôn Thất Hoè giữ phần hành đốc công xây dựng thành mới. Tổng đốc Lê Điều (người thay Phạm Phú Thứ trước đây) cùng bố chính sứ Vũ Túc đến làm việc tại nơi tạm đặt trụ sở là nhà quan cư của văn miếu tỉnh (45). Phái viên Pháp do thám được tin tức ấy. Ngày mùng mười, một ngày cuối của thượng tuần tháng bảy nguyệt lịch (12.08.1883), Pháp đem bốn chiếc tàu chiến kéo đến đồn Đồng Tân, chia lính lên bộ, vào thành cũ, treo cờ “tam tài” xanh trắng đỏ (còn gọi là cờ ba khoanh). Pháp bố trí quân chiếm giữ cửa thành. Nguyễn Viết Vinh rút quân về thành mới.
Pháp lại kéo quân đến thành mới đánh phá.
Tổng đốc Lê Điều uỷ cho đề đốc Tôn Thất Hoè, lãnh binh quan Văn Phú Lương dẫn quân ra nghinh chiến. Sau đó, Lê Điều trực tiếp cầm quân tiếp ứng. Trận chiến rất dữ dội, kịch liệt.
Bất ngờ, quân Pháp đã bố trí sẵn một cánh quân khác, đánh bọc hậu vào quan quân Hải Dương. Quân ta bị ép vào giữa hai trận đạn. Không cầm cự nổi, quân ta bị rối loạn hàng ngũ, vỡ tan. Tổng đốc Lê Điều thu góp tàn quân về đóng tại huyện hạt Cẩm Giàng, Đường Hào.
Thành mới, thành cũ Hải Dương đều bị mất vào tay giặc (45)!
Sau khi chiếm hai thành luỹ Hải Dương, Pháp quyết tấn công quân thứ Sơn Tây vốn do thống đốc Hoàng Tá Viêm trực tiếp chỉ huy và đoàn quân của Lưu Vĩnh Phúc. Quân thứ và đoàn quân ấy hiện đang đồn trú tại Hương Canh, Phù Diễn (thuộc phủ Hoài Đức), Hoàng Xá, Đại Cát (thuộc huyện Đan Phượng). Phủ Hoài và huyện Đan Phượng đều trong địa phận Hà Nội. Bọn Pháp quyết tâm báo thù cho đại tá Henry Rivière của chúng.
“Người Pháp tự sau khi thua ở trận Cầu Giấy, đem thêm tàu binh đến, chiêu mộ quân khách [Hoa kiều], cùng dân đi đạo [“tả đạo” Thiên Chúa giáo], quyết ý đánh một trận to với quân thứ Sơn Tây để báo thù” (46) .
Ngày mười ba tháng bảy nguyệt lịch (15.08.1883), Pháp kéo cả quân thuỷ, quân bộ, chia làm bốn đạo binh, tiến về phía quân ta một cách hùng hổ, dữ dội.
“Thống đốc Hoàng Tá Viêm đốc thúc quan quân cùng đoàn quân họ Lưu, bốn mặt tiếp ứng. Quan nước [Trung Hoa nhà] Thanh là Đường Cảnh Tùng cũng phái quân các doanh cùng đánh giúp. Các đạo quân [bên ta] đều hăng hái cố đánh. [Trận chiến nổ ra] từ giờ mão đến giờ dậu [từ 5 – 7 giờ sáng đến 17 – 19 giờ tối]. Quân Pháp thua chạy. Các quân thừa thắng bắn và chém hơn hai trăm (200) tên [Pháp và ngụy], rồi đem tin thắng trận ấy tâu lên” (46) .
Đây là trận đầu tiên quân Thanh trực tiếp tham chiến, mặc dù binh tướng Thanh đã qua đóng quân tại Bắc Kì từ tháng bảy Nhâm ngọ (1882).
Pháp đã bại trận một cách nhục nhã! Nhưng tin báo tiệp chưa kịp vào đến Huế…
Tuy bại trận như thế, nhưng Pháp vẫn cố theo đuổi kế hoạch của chúng. Pháp lại tập trung nhiều tàu chiến ở cửa biển Trà Úc (Quảng Nam) như tin Hải phòng sứ tỉnh ấy tâu ra, cấp tốc bay trên lưng ngựa theo đường trạm. Thượng thư Bộ Binh, điện tiền tướng quân Tôn Thất Thuyết đã đích thân xuống cửa biển Thuận An (Thừa Thiên) để chỉ đạo mặt trận. Hiệp Hoà trong lòng đã run rẩy, bỗng đâm ra luyến tiếc ngai vàng ngồi chưa ấm chỗ, nhưng bên ngoài vẻ mặt, vẫn thuận theo tinh thần quyết chiến của hai quan phụ chính Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết. Vua cho viên quan trực nhật là chưởng vệ Nguyễn Văn Sỹ mang một lá cờ lệnh, một cái ngự bài binh sự để giao cho tướng quân Tôn Thất Thuyết (47). Với cờ lệnh, ngự bài ấy, tướng quân Tôn Thất Thuyết đều được toàn quyền quyết định cuộc giáp chiến quyết định này tại cửa ngõ kinh đô là Thuận An. Tuy nhiên, Hiệp Hoà vẫn lo âu, tiếc nuối, nói thêm lời răn đe để Nguyễn Văn Sỹ về bẩm báo lại cho tướng quân Tôn Thất Thuyết:
“Nếu giảng “hoà” được cũng nên tòng quyền làm kế hoãn binh. Hết thảy mọi việc cốt phải muôn phần không còn lo ngại để giữ gìn tôn miếu, xã tắc, là sức ngươi cả. Nếu cậy khoẻ hiếu thắng, không biết cơ nghi, tất phải trách cứ rất nặng” (47) .
Chưa chiến đấu, Hiệp Hoà đã răn đe tướng mặt trận không nên chiến đấu!
Trên mặt sóng biển một ngày rực nắng, tướng quân Tôn Thất Thuyết đứng bên cạnh con trai là Tôn Thất Đàm, ông đang quan sát bằng ống nhòm thiên lí, bỗng thấy một chiếc tàu binh Pháp treo cờ ba khoanh xanh trắng đỏ xuất hiện. Nhưng sao chỉ một chiếc? Tay cầm hơi khẽ chao động, và lập tức, những ngón tay như bóp chặt chiếc ống nhòm. Ông chú mục quan sát, chuẩn bị ra lệnh cho quân sĩ sẵn sàng nghinh chiến. Tướng Tôn Thất Thuyết chợt thấy trên chiếc tàu binh Pháp ấy xuất hiện một tấm biển màu trắng có ghi đậm nét hai chữ “bàn hoà” bằng chữ Nôm và chữ Hán. Pháp “bàn hoà”?
Tàu mỗi lúc một tiến gần đến dải cát Thai Dương thượng và Thai Dương hạ, dải cát ngay trước cửa sông Hương. Dải cát ấy cách bờ đất liền và cùng với bờ đất liền làm nên phá Tam Giang phía bắc và đầm Sam phía nam. Tướng quân Tôn Thất Thuyết vẫn truyền lệnh cho quân sĩ sẵn sàng nghinh chiến, nhưng không được nổ súng, nếu chưa có lệnh tiếp theo được truyền ra. Còn hơn hai dặm ta (hai ngàn thước ta = 425 m x 2), như thể bỏ neo, chiếc tàu Pháp cho hai chiếc thuyền ván gỗ sam nhỏ chở vài sĩ quan Pháp với mươi tên lính và chèo tay vào bờ!
Hoá ra, bọn Pháp trao chiến thư (48)!
Bấy giờ, một chiếc tàu tuần tiễu của ta đang trở về, thấy tàu giặc với hai chữ “bàn hoà”, liền theo thông lệ, áp sát đến hỏi: “Tàu Pháp đến “bàn hoà” hay thực tâm có việc gì?”. Bọn Pháp chỉ vào hai chiếc thuyền sam bản đang chèo vào. Tàu tuần tiễu liền vào bờ.
Tham tri Bộ Binh Nguyễn Thành Ý và linh mục hành nhân Nguyễn Hữu Cư vốn đã được vua Hiệp Hoà phái về Thuận An mấy hôm trước, liền đến giảng thuyết với sứ giả Pháp. Tên phái viên Pháp liền nói xấc xược nhưng cũng để hoãn binh, cho tiện việc rút lui:
- “[Nguyễn] Thành Ý trước ở Gia Định, tướng [Thom-son] nước [Pháp] ấy không bằng lòng, nay đến thương thuyết, là khinh sứ phái [coi thường việc phái sứ đi bàn hoà]” (49) .
Nguyễn Thành Ý nói ngay:
- Sao câu nệ thế! Sứ giả chỉ tuân mệnh vua!
- Xin hãy đọc chiến thư! Tạm biệt!
Bọn Pháp chào và rút xuống thuyền, ngạo ngược, không thèm “bàn hoà” lấy nửa tiếng!
Khi mở vội phong thư ra xem, hai chiếc thuyền nhỏ đã xa bờ! Theo tinh thần thượng võ, tướng quân Tôn Thất Thuyết không cần ra lệnh nổ súng vào những tên sĩ quan sứ giả cùng toán lính Pháp ấy. Ông giận dữ, khi biết tối hậu thư của Pháp đòi triều đình giao tất cả các pháo đài từ cửa Thuận An lên dọc tuyến sông Hương cho chúng trong vòng hai giờ đồng hồ!
Tại triều đình, lúc này, vua Hiệp Hoà chỉ bàn việc quân cơ với Trần Tiễn Thành, Nguyễn Trọng Hợp và Tuy Lý vương Miên Trinh! Khi nhận được tin Pháp trao chiến thư, vua Hiệp Hoà liền sai Trần Thúc Nhẫn (Nhận) và Phạm Như Xương xuống tiếp để cùng Nguyễn Thành Ý đàm phán, với lời dặn “đại khái đem các việc vua cũ mới chết, vua mới [vừa] mới lên ngôi, giữ lẽ bàn bạc” (50) !
Năm ngày sau khi bọn Pháp đánh vào thành mới Hải Dương, vào ngày mười lăm tháng bảy nguyệt lịch, Quý mùi (17.08.1883), chúng từ Bắc liền kéo vào và từ Trà Úc (Quảng Nam) chạy ra, tất cả gồm tám chiếc tàu chiến loại tối tân nhất của chúng. Trên tàu chỉ huy, có các tên Pháp cao cấp như Harmand, Courbet, và cả tên khâm sứ cũ, De Champeaux (51).
“[Trần] Thúc Nhẫn, [Phạm] Như Xương vừa đến thành Trấn Hải, tàu Pháp đánh bắn luôn mấy ngày, [họ] không ra cửa biển [Thuận An] được” (52) . Cả hai chưa kịp thương thuyết một lời. Quả là bọn Pháp quyết thực hiện theo thư của tướng Pháp ở Gia Định, mấy tháng trước, lúc vua Tự Đức chưa băng hà, y đã đệ trình về Pháp:
“Sau khi thất bại [ở Gia Lâm và] Hà Nội, nên bỏ cái cách dùng thương thuyết. Khi nào Tự Đức nghe tiếng đại bác đầu tiên thì Tự Đức mới kí hoà ước. Cho nên, phải đánh ở Huế. Muốn đánh Huế thì phải lấy pháo đài Thuận An” (53) .
Ngày mười (10) tháng bảy (07) 1883, tên Challemel Lacour, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp đã đọc diễn văn trước Hạ viện (Viện Thứ dân) Pháp:
“Nay phải giải quyết việc Viễn Đông bằng chiến tranh” (54) !
Từ mười sáu (16) giờ đến hai mươi (20) giờ, ngày mười sáu nguyệt lịch (19.08.1883), trước hạn cuối của tối hậu thư một tiếng rưỡi, tàu Pháp đã liên tục bắn đại bác vào đồn luỹ của ta. Các cỗ súng lớn của ta cũng đáp lại giòn giã, nhưng rất tiếc, tàu chiến Pháp đậu khá xa, quá tầm đạn đại bác thần công. Ngày mười bảy (20.08.1883), cuộc đấu trọng pháo giữa ta và địch vẫn rất kịch liệt. Đạn đại bác của chúng có sức công phá, rơi xuống lại nổ bùng, văng ra bốn phía những miểng gang, miểng sắt bén nhọn. Những thành luỹ bằng gạch vồ kiên cố, đạn đại bác của Pháp vẫn xuyên phá, tạo nên những lỗ to bằng chiếc thúng, đồng thời gây ra những vết nứt toác. Bức tường nào mỏng, trúng đạn pháo của chúng, liền sụp đổ ngay. Những luỹ đắp bằng đất cứ bị trúng đạn, văng tung tóe. Trong khi đó, các cỗ súng đại bác của quan ta, loại quá sơn, thần công cũng như các loại khác, đều nạp đạn từ nòng súng, bắn bằng loại đạn bằng sắt hoặc bằng gang, kích thước đủ các cỡ, đường kính từ khoảng mười (10) đến hơn ba mươi (30) phân tây, nhưng không nổ lại khi chạm mục tiêu, không có sức công phá. Bắn đi như thế nào, rơi xuống vẫn y nguyên như thế. Loại đạn đại bác này chỉ hiệu quả khi bắn vào các chiếc tàu bằng gỗ. Trúng đạn, tàu gỗ thủng ngay, và tất nhiên phải chìm tàu vì nước tràn vào. Nhưng với tàu bọc đồng của Pháp, loại đạn ấy bắn trúng vẫn rất khó thủng. Tầm bắn lại không được xa. Bọn Pháp biết được tầm bắn của đại bác quân ta, nên chúng đậu thuyền xa hơn tầm bắn. Đạn quân ta hầu hết bị rơi xuống biển! Tuy thế, quân binh ta vẫn kiên cường chống trả. Tàu chiến Pháp không dám tiến vào tiếp cận mục tiêu.
Hai chiếc tàu chiến, một thuộc loại thiết giáp hạm, đó là Bayard, và một chiếc khác, thuộc loại tuần dương hạm, tên Vipère, cố mạo hiểm lao vào, cả hai đều bị trúng đạn của pháo binh ta từ thành Trấn Hải và từ các đồn Hoà Duân (hoặc Hoà Quân, không phải là Hà Nhuận!), Cồn Sơn, Hạp Châu bắn ra. Chính trên chiếc tàu chiến Bayard, lại có mặt tên Harmand và De Champeaux (51)!
Ngày mười tám Nam lịch (21.08.1883), quân ta từ kinh thành lại kéo xuống tiếp viện. Cuộc chiến đấu vẫn rất quyết liệt, mặc dù quân ta bị tổn thương không ít. Hai chiếc tàu chiến Vipère và Lynx, mặc dù Vipère đã trúng đạn nhưng kịp thời được sửa chữa, đã tiến vào thành Trấn Hải. Trấn Hải là nơi bọn Pháp tấn công dữ dội nhất nên bên ta đã im tiếng súng bắn trả. Trần Thúc Nhẫn liền nhảy xuống biển tử tiết.
Đồn phía nam dải cát Thai Dương vẫn tiếp tục bắn ra tàu giặc. Tiếng đại bác và súng cầm tay ở các đồn Hạp Châu, Cồn Sơn, Hy Du, Lộ Châu, và một đồn đang xây dựng dở dang là Cồn Tè, vẫn chưa nao núng trước các chiến thuyền Atlante, Bayard, Drace, Cateau Renaud, Vipère và Lynx (51)…
Đêm đến, Pháp chia quân xuống thuyền nhỏ bằng gỗ sam, vốn để sẵn bên mạn hoặc trong khoang tàu lớn, chèo luồn vào phía sau dải cát Thai Dương thượng, Thai Dương hạ, quyết đánh úp các đồn của quân ta. Đạo quân do Trương Văn Đễ chỉ huy phản công, nhưng bị kém thế, phải rút chạy. Quân Pháp lại tấn công dữ dội, bằng đại bác và quân đánh bộ. Kho đạn trên đồn Hạp Châu lại bị nổ (51)!
Các tướng Lê Sỹ, Lê Chuẩn, Lâm Hoành (người Quảng Trị) và Nguyễn Trung đều tử trận. Quân ta bị vỡ (55). Thành trì tại Thuận An hoàn toàn thất thủ.
“Vua [Hiệp Hoà đã thật sự chủ “hoà”] nghe tin báo, lập tức sai thượng thư Bộ Lại là Nguyễn Trọng Hợp đến ngay thành Trấn Hải bàn hoà; lại [ra] sắc [dụ] cho các đồn sở từ Lộ Châu trở lên [gồm 13 đồn] đều phải canh giữ phòng thủ cho nghiêm. Nếu tàu nước ấy có đến đồn nào, tức phải treo cờ trắng [:đầu hàng], không được bắn khiêu khích.
Lúc bấy giờ, [thành luỹ] tỉnh cũ, tỉnh mới ở Hải Dương cũng bị mất, [nay mới] chợt báo tin đến, cho nên việc nghị “hoà” càng quyết định” (55)
.
Trần Tiễn Thành liền có vai trò của ông ta!
“Đúng vào lúc đó, quân đội của đô đốc Courbet đổ bộ ở Thuận An (tháng 08.1883). Trần Tiễn Thành được vời về triều để thảo luận về điều kiện nghị hoà [“”] và được giao nhiệm vụ đi yêu cầu giám mục Caspar xin nhà cầm quyền Pháp đình chiến” (56) .
Giám mục Maria Anton Louis Caspar Lộc, sinh ngày 23.03.1841 tại Obernai, vùng hạ sông Rhin, tại Pháp. Y đã từng có mặt tại Sài Gòn từ tháng hai 1865, với trách nhiệm “cha giáo” Chủng viện Lái Thiêu, rồi làm giám đốc trường đào tạo thầy giảng.
Caspar được tấn phong giám mục vào ngày 24.08.1880. Sau đó ít ngày, đầu tháng chín, y lên đường ra Huế (57).
Đêm ấy, Nguyễn Trọng Hợp cùng với cố đạo Pháp Caspar (vốn thường trú tại khu vực nhà thờ Kim Long, Huế), đi trên chiếc thuyền, treo cờ trắng đầu hàng nhục nhã, có viết chữ Âu (58): “Miễn chiến”! Để giặc Pháp khỏi bắn vào thuyền vì bóng đêm khoả lấp, không trông thấy rõ cờ trắng đầu hàng, Nguyễn Trọng Hợp sai quân lính liên tục đốt lửa trên thuyền để soi chiếu ánh sáng vào lá cờ trắng ấy (58).
“Khâm sai Bắc Kì toàn quyền đại thần của nước Pháp là Hà A Mang [Harmand] cũng đưa thư đến bàn hoà” (59) .
Mặc dù “hoà” ước mới gồm hai mươi bảy khoản chưa kí kết, phía Harmand, Courbet, De Champeaux đã yêu sách tức khắc:
+++ Triệt hạ ngay các đồn phòng thủ từ cửa Thuận lên đến kinh thành, tất cả là 12 (hoặc 13) đồn luỹ.
+++ Triệt bỏ những bãi chông cắm ở cửa sông.
+++ Trả lại cho Pháp hai chiếc tàu mà Pháp đã trao cho triều Tự Đức hồi kí kết “hoà” ước Giáp tuất 1874 và cả chiếc tàu Scorpion, bấy giờ quân Đại Nam đã chiếm được của Françis Garnier (1873) (60).
Nguyễn Trọng Hợp đồng thuận!
“Vua [Hiệp Hoà] sai triệu gia hiệp biện đại học sĩ hưu trí là Trần Đình Túc ([quê tại Quảng Trị], ở xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên), cho lãnh thượng thư Bộ Lễ sung chức toàn quyền đại thần; [đồng thời sai phái] thượng thư Bộ Lại, [nay vừa mới] sung Cơ mật viện đại thần là Nguyễn Trọng Hợp, làm phó, đến Sứ quán [Pháp] bàn định “hoà” ước” (61). Ngoài ra, tham biện Nội các Hoàng Hữu Thường còn được bổ sung làm tham biện định “hoà” ước mới, chuyên lo việc văn thư. Về sau, “có nhiều điều khoản phải bàn lại, do [Nguyễn] Trọng Hợp một mình làm việc, [còn Trần] Đình Túc cho về hưu trí như cũ” (62) .
Đến như Trần Đình Túc, một viên đại quan vốn chủ “hòa”, cũng nhận thấy không kham chịu nổi “hòa” ước mới (Harmand – Trần Đình Túc), nhất là sau khi kí, Harmand còn lấn bức thêm.
Lúc đó, nghe tin thành cũ, thành mới Hải Dương thất thủ, lại thành Trấn Hải tại Thuận An cũng không giữ được, bị vỡ, quân tan, sinh viên Quốc tử giám liền tình nguyện đi đánh giặc. Quan phụ trách giảng dạy do Nguyễn Liên dẫn đầu đem ý chí quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của sinh viên tâu trình lên vua (63). Vua Hiệp Hoà bảo với giọng điệu sĩ diện hão mặc dù trong thâm tâm chỉ mong một việc đầu hàng, chịu cho giặc “bảo hộ”: “Quan cùng các học trò ở Giám muốn ném bút đi đánh giặc, rõ có lòng siêng việc vua, giận quân thù, nhưng nay chúng đã xin hoà, việc đã được bớt, bọn ngươi cứ học tập như cũ” (63)!!! Trong lúc cả nước đau đớn, tủi nhục, Hiệp Hoà lại thiên vị, “thăng cho viên ở Anh Danh là Lê Văn Phú làm quản cơ. [Lê] Văn Phú là thân thuộc phi tần nhà vua, cho nên cho thăng [chức], nhưng cho ở nha, chiểu hàm cho ăn lương” (41)!!!
Riêng đoàn quân đồn Hoà Duân (Hoà Quân), gồm khoảng bảy trăm viên lính, vốn do tham biện Ông Ích Khiêm chỉ huy, khi rút quân lên kinh thành Huế, đến bến đò Nam Phố, tiếng trống vẫn chưa thôi (64)! Đó là tiếng trống phá phách, bỡn cợt, chán chê, bất mãn, ê chề, giận dỗi… Đúng là tướng nào quân ấy! Ông phải đổi sang làm biện lí Bộ Lễ, giao quân lại cho tướng quân Tôn Thất Thuyết quản lí (64).
Tất cả hệ thống đồn từ cửa biển Thuận An lên dọc tuyến sông Hương đều được sắc dụ của Hiệp Hoà, buộc rút hết biền binh, kể cả các khẩu đại pháo, cũng bị chở đi chỗ khác (65). Cửa kinh đô bao nhiêu năm xây dựng hệ thống phòng thủ đến nay hoàn toàn bị buộc phải bỏ ngỏ! Triều đình Hiệp Hoà đã thảm bại, cam chịu đầu hàng một cách nhục nhã!
“Hoà” ước Quý mùi 1883 là một nỗi đau xót, nhục nhã nhất trong các “hoà” ước, thừa nhận sự “bảo hộ” với chế độ công sứ của Pháp bên cạnh quan tỉnh của ta ở Bắc Kì và ở cả ba tỉnh Nam Đàng Ngoài Thanh – Nghệ – Tĩnh, lại mất đứt thêm một tỉnh khác ở phía nam (Bình Thuận bị sáp nhập vào Nam Kì, vốn là thuộc địa Pháp) (66). “Hoà” ước Quý mùi 1883 còn quy định, triều đình Đại Nam có quyền hạn rộng hơn một ít trên các tỉnh còn lại, từ Khánh Hoà đến Quảng Bình, nhưng triều đình vẫn lệ thuộc vào tổng trú sứ Pháp tại Huế hầu như về mọi mặt (66)!
Chưa bao giờ hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đau xót hơn! Thế là chiến thuật lấy tấn công làm phòng thủ, nói rõ hơn là quyết tấn công các sào huyệt Pháp tại Bắc Kì để phòng thủ kinh đô Huế, đã thất bại, mặc dù hai đại thần chủ chiến của Viện Cơ mật đã biết trước ý đồ của thực dân Pháp, chúng sẽ tấn kích cửa biển Thuận An để uy hiếp, buộc triều đình kí “hoà” ước mới!
Đến khi Thuận An thất thủ, Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp đã phải kí “Hoà” ước Quý mùi 1883 gồm hai mươi bảy điều khoản với Harmand tại Sứ quán Pháp bên bờ sông Hương, tin Hải Dương thất thủ lại ập vào, kế đến mới là tin thắng trận ở phủ Hoài và huyện Đan Phượng được đưa tới kinh đô.
Vua Hiệp Hoà nghe tin thắng trận đó, “có vẻ buồn, nói rằng: “Lang sói đương nhông nháo, bắt làm gì đám cầy cáo”, xem tờ tâu cũng không biết là mừng” (67). Nhà vua giao tờ tâu báo tiệp “cho Viện Cơ mật và Bộ Binh khu xử. Quan ở Viện, Bộ tâu rằng: “Quân thứ ấy có thắng trận như thế, cố nhiên phải khen thưởng, nhưng nay tình thế đã khác, sẽ đợi nghĩ định sau. Vua nghe theo” (67) . Lúc này, trong các quan ở Viện Cơ mật và Bộ Binh, kẻ lại chiếm ưu thế chính là Trần Tiễn Thành, và bên cạnh ông ta, còn có một kẻ chủ “hoà” khác, ấy là thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp, người mới được Hiệp Hoà bổ sung vào Viện Cơ mật (61)!

5

“HOÀ” ƯỚC QUÝ MÙI 1883 (68)

“Giữa những người kí tên sau đây:
Một bên là J. Harmand, tổng uỷ, (đại diện ngoại giao cho nước Pháp cộng hoà (*)), nhân danh nước Pháp;
Một bên là hiệp biện đại học sĩ Trần Đình Túc (trưởng đoàn ngoại giao) và Lại bộ thượng thư Nguyễn Trọng Hợp (phó đoàn), nhân danh triều đình nước Đại Nam;
Đã cùng nhau thoả thuận như sau:
+ Điều khoản I: Nước Nam thừa nhận và chịu sự bảo hộ của nước Pháp trong các mối quan hệ về phương diện pháp luật, ngoại giao châu Âu, nghĩa là nước Pháp sẽ chủ trì mọi việc giao thiệp của nước Nam với tất cả các nước khác, bao gồm cả nước Tàu. Triều đình nước Nam sẽ chỉ giao thiệp về ngoại giao với các nước nói trên qua sự môi giới của nước Pháp mà thôi.
+ Điều khoản II: Tỉnh Bình Thuận sáp nhập vào xứ Nam Kì của Pháp.
+ Điều khoản III: Một đội binh Pháp chiếm đóng thường xuyên dãy núi đèo Ngang… [và] từ dãy núi này chạy ta đến mũi đất Vũng Chùa; binh Pháp cũng đóng các đồn Thuận An và các đồn ở cửa sông Huế. Các đồn này sẽ được xây dựng lại tuỳ theo ý muốn cuả các nhà cầm quyền Pháp.
+ Điều khoản IV: Triều đình nước Nam sẽ gọi về ngay các đạo quân đã phái ra Bắc Kì để thực thi hòa bình.
+ Điều khoản V: Triều đình nước Nam sẽ ra lệnh cho quan lại ở Bắc Kì trở lại lị sở, bổ nhiệm các quan lại mới để điền vào những nơi khuyết, và sẽ lâm thời công nhận những sự bổ nhiệm của nhà cầm quyền Pháp sau khi đã có sự thoả hiệp của đôi bên.
+ Điều khoản VI: Quan lại các tỉnh từ đường biên phía bắc tỉnh Bình Thuận ra đến đường biên Bắc Kì, lấy đèo Ngang làm giới hạn, sẽ tiếp tục do triều đình cai trị như xưa, không có bất cứ một sự kiểm soát nào của nước Pháp, trừ những công việc thuộc về thương chính hay công chính, và nói chung là những công việc cần có một sự chủ trương duy nhất và khả năng của các nhân viên kĩ thuật Âu châu.
+ Điều khoản VII: Triều đình nước Nam sẽ tuyên bố mở ra cho thương mại châu Âu, ngoài cửa biển Quy Nhơn, còn có các cửa biển Đà Nẵng và Xuân Đài (Phú Yên). Sau này, sẽ thảo luận xem có nên mở thêm các cửa biển khác nữa không, để có lợi cho cả hai nước; và cũng sẽ định giới hạn cho các khu nhượng địa của Pháp ở những cửa biển đã mở. Nước Pháp sẽ đặt ở đấy những nhân viên dưới quyền trú sứ Pháp tại Huế…
+ Điều khoản VIII: Nước Pháp có thể dựng một hải đăng ở mũi đất Varella hoặc ở mũi đất Padaran hay Poulo Cécir, tuỳ theo lời phúc bẩm của các sĩ quan và kĩ sư Pháp.
+ Điều khoản IX: Sau khi đôi bên thoả hiệp, và phí tổn chịu chung, chính phủ nước Nam sẽ tu sửa lại con đường lớn từ Hà Nội đến Sài Gòn, quản lí sao cho tốt để xe cộ đi lại được. Nước Pháp sẽ cung cấp những kĩ sư để phụ trách những công việc như cầu cống, đường hầm.
+ Điều khoản X: Một đường dây điện báo sẽ đặt trên con đường lớn này, rồi do nhân viên của nước Pháp phụ trách. Một phần thuế thu được sẽ giao cho chính phủ nước Nam, vì đã nhượng đất đai để làm các trạm điện báo.
+ Điều khoản XI: Ở Huế sẽ có một trú sứ là một vị quan cao cấp. Trú sứ không can thiệp vào những công việc nội trị của địa phương Huế, nhưng sẽ là người đại diện chính phủ bảo hộ, đặt dưới quyền kiểm tra của tổng uỷ viên chính phủ [nước] Pháp cộng hoà; vị này sẽ chủ trì những công việc ngoại giao của vương quốc An Nam, nhưng có thể sẽ uỷ quyền toàn bộ hoặc một phần quyền bính cho trú sứ ở Huế.
Trú sứ Pháp tại Huế sẽ được quyền một mình vào diện kiến vua nước Nam, nhà vua không thể từ chối không tiếp, nếu không có lí do chính đáng.
+ Điều khoản XII: Ở Bắc Kì sẽ có một trú sứ ở Hà Nội, một ở Hải Phòng, một ở các thành phố duyên hải sẽ được thiết lập sau, và một tại tỉnh lị mỗi tỉnh lớn. Ngay sau khi thấy có nhu cầu tại các tỉnh lị ở các tỉnh nhỏ, cũng sẽ đặt những viên chức người Pháp thuộc quyền quan trú sứ tỉnh lớn, mà tỉnh nhỏ ấy phụ thuộc theo khu vực hành chính trong xứ.
+ Điều khoản XIII: Các quan trú sứ hoặc phó sứ sẽ có những người giúp việc và những người cộng tác cần thiết và được bảo vệ bởi một toán lính Pháp hoặc bản xứ đủ cho họ được tuyệt đối an toàn.
+ Điều khoản XIV: Các quan trú sứ sẽ tránh không can thiệp sâu vào công việc nội trị các tỉnh. Các quan lại bản xứ sẽ tiếp tục cai trị và điều hành dưới quyền kiểm soát các quan trú sứ, nhưng họ sẽ có thể bị thay thế bởi người khác theo yêu cầu của các nhà cầm quyền Pháp nếu họ tỏ ra có điều không tốt với quan Pháp.
+ Điều khoản XV: Các quan lại, viên chức Pháp thuộc các công sở như bưu điện, công khố, thương chính, công chính, giáo dục Pháp, nếu có tư trình gì với nhà cầm quyền nước Nam thì sẽ chỉ do các quan trú sứ chuyển đạt.
+ Điều khoản XVI: Các quan trú sứ xét xử các án kiện về dân sự và thương mại của người châu Âu tranh chấp với người bản xứ, của người bản xứ tranh chấp với người các nước châu Á muốn hưởng sự bảo hộ của người Pháp. Nếu không đồng ý với các án xử của các quan trú sứ thì khiếu nại ở Sài Gòn.
+ Điều khoản XVII: Các viên trú sứ sẽ kiểm soát việc trị an ở các đô thị, và quyền kiểm soát của họ đối với các quan chức bản xứ sẽ mở rộng ra theo sự phát triển của các đô thị đó.
+ Điều khoản XVIII: Các viên trú sứ với sự giúp đỡ của quan bố chánh, sẽ tập trung trong tay việc thuế má mà họ kiểm soát việc thu chi.
+ Điều khoản XIX: Việc thương chính được sắp đặt lại sẽ được hoàn toàn giao cho các quan cai trị Pháp. Chỉ có các trạm thuế cửa biển và [trạm thuế] đường biên giới sẽ được đặt khắp các nơi cần thiết. Về ngạch thương chính do các quan binh ở Bắc Kì đặt ra thì không được kêu nài gì cả.
+ Điều khoản XX: Công dân hay dân thuộc quốc tịch Pháp sẽ được hưởng tự do hoàn toàn về nhân thân và tài sản của họ trong toàn xứ Bắc Kì và tại các cửa biển khai thương ở Trung Kì. Ở Bắc Kì và trong giới hạn các cửa biển khai thương ở xứ Trung Kì, họ sẽ có thể tự do đi lại, cư trú và sở hữu tài sản. Tất cả những người ngoại quốc xin được hưởng sự bảo hộ của Pháp thường xuyên hoặc tạm thời cũng sẽ được như vậy.
+ Điều khoản XXI: Những người vì mục đích khoa học hay vì mục đích nào khác mà muốn đi du lịch trong nước Nam sẽ chỉ được phép qua môi giới của trú sứ Pháp ở Huế, Pháp suý ở Nam Kì hay là tổng uỷ viên chính phủ Pháp ở Bắc Kì. Các vị này sẽ cấp cho họ những giấy thông hành, rồi họ trình triều đình An Nam phê chiếu.
+ Điều khoản XXII: Nước Pháp sẽ đóng những đồn binh dọc theo sông Hồng khi xét thấy sự đề phòng đó là cần thiết để bảo đảm cho sự tự do giao thông trên sông. Nước Pháp cũng sẽ có thể lập những đồn binh vĩnh viễn ở khắp những nơi mà xét thấy có lợi.
+ Điều khoản XXIII: Từ nay về sau, nước Pháp cam đoan bảo đảm sự vẹn toàn của các xứ của nhà vua An Nam, bảo vệ nhà vua chống lại mọi cuộc ngoại xâm từ bên ngoài, hay các cuộc nội loạn và bênh vực những điều yêu sách chính đáng của ngài với người nước ngoài.
Nước Pháp một mình cam đoan đánh đuổi ra khỏi Bắc Kì những đội quân được biết tới dưới cái tên “Quân Cờ đen” và bảo đảm bằng những phương sách của mình sự trị an và tự do buôn bán trên sông Hồng.
Vua nước Nam sẽ tiếp tục cai trị các xứ của mình như trước, trừ những điều hạn chế do hiệp ước này quy định.
+ Điều khoản XXIV: Nước Pháp sẽ cung cấp cho vua nước Nam tất cả những người huấn luyện, kĩ sư, bác học, sĩ quan v.v… mà nhà vua sẽ cần dùng.
+ Điều khoản XXV: Nước Pháp sẽ coi mọi người An Nam, ở mọi nơi, ở trong cũng như ở ngoài nước, như những người được bảo hộ đích thực của mình.
+ Điều khoản XXVI: Những món nợ hiện nay của nước Nam đối với nước Pháp sẽ được coi như đã thanh toán, do việc cắt nhượng tỉnh Bình Thuận.
+ Điều khoản XXVII: Sẽ có những cuộc bàn bạc để quyết định số tiền giao cho triều đình nước Nam trong số quan thuế cước phí điện tín v.v… trong nước, số quan thuế ở Bắc Kì và thuế vế các cuộc chuyên mại độc quyền, như cơ sở kĩ nghệ sẽ được phép lập ở Bắc Kì. Món tiền trích giao ở số thuế thu đó không được dưới hai triệu quan tiền Pháp (franc).
Đồng bạc Mễ Tây Cơ (Mexique) và các tiền tệ bằng bạc của xứ Nam Kì thuộc Pháp sẽ cùng với các tiền tệ của nước Nam đồng thời cưỡng bách lưu hành trên khắp vương quốc.
Bản hiệp ước này sẽ được trình lên giám quốc nước Pháp cộng hoà và đức hoàng đế nước Nam chuẩn y. Việc xác nhận và hỗ giao sẽ được trao đổi càng sớm càng tốt. Nước Pháp và nước Nam bổ nhiệm các vị đại diện ngoại giao, sẽ họp tại Huế để xem xét và định ra mọi chi tiết. Các vị đại diện ngoại giao đó sẽ nghiên cứu trong một cuộc họp chế độ thương mại có lợi nhất cho hai nước, cũng như quy chế quan thuế lấy điều khoản XIX trên đây làm căn bản, và những vấn đề thuộc về độc quyền ở Bắc Kì, về các nhượng địa để khai mỏ, về chuyên chở tàu thuyền, về ruộng muối và các ngành công nghiệp…”.

“Hoà” ước này được kí kết vào ngày hai mươi ba (23), tháng bảy (07), năm Tự Đức thứ ba mươi sáu (36) (vẫn còn thuộc niên hiệu tiên đế), Quý mùi (25.08.1883)
.



Hết tệp 7 (phân đoạn 1, truyện kí thứ 10)

Khởi viết truyện kí thứ mười này vào lúc khoảng 07 giờ
ngày 01.01.2003.
Viết đến dòng chữ này lúc 18 giờ 05 phút,
ngày mùng 04.01.2003 (02.12 Nh. ngọ HB.3)
tại thành phố Hồ Chí Minh
.

TRẦN XUÂN AN


(27) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 219.

(28) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 214; : GS. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng (CXL.), Nxb. Tp.HCM. tái bản, 2001, tr. 421 – 426.

(29) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 216 – 217: “Mùa thu, tháng bảy, ban rõ điển lễ tấn tôn Khiêm hoàng hậu [Vũ thị, vợ vua Tự Đức] và hoàng thái phi [Trương thị, mẹ vua Hiệp Hoà]… […] … Vua [Hiệp Hoà] bèn sắc sai các quan bàn kĩ thế nào cho hợp lễ chế và đem bàn thêm nghi chế tấn tôn lệnh từ [:mẹ của vua Hiệp Hoà]. Đến nay, Tôn nhân, hoàng thân, đình thần xem xét điển lễ cũ [đời Tống Tấn vương Quang Nghĩa, Diên An quận vương Dong, Triết Tông với cách lập hoàng thái hậu, hoàng thái phi… ]; và xét cả điển trước của bản triều [đời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị về việc tấn tôn hậu, phi, thái hậu, thái phi]; châm chước nghĩ định Trung phi [Vũ thị, vợ vua Tự Đức], xin lấy mĩ tự tên cung, tôn làm Khiêm hoàng hậu [:hoàng hậu của Khiêm lăng (lăng Tự Đức)], tôn lệnh từ thì tôn làm hoàng thái phi… […] … Vua [Hiệp Hoà] lại sai Tuy Lý vương cùng Nội các, Sử quán, Quốc tử [giám] hội đồng xét lại cho kĩ, cho là các lẽ bàn định ở trên, so với tình lí, đều đã thoả hợp… […] … Vua [Hiệp Hoà] đem tập tâu ấy tâu lên Từ Dụ thái hoàng thái hậu, bèn cho thi hành”.

(30) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 219.

(31) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 220 – 221.

(32) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 222.

(33) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 222.

(34) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 223.

(35) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 223.

(36) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 161 – 162.

(37) GS. Trần Văn Giàu, Chống xâm lăng (CXL.), Nxb. Tp.HCM. tái bản, 2001, tr. 425. Về cuốn sách này, chúng tôi đã phê phán ở các chú thích trước, và phê phán cụ thể hơn ở một cuốn sách của tôi. Xin xem: Trần Xuân An, Nguyễn Văn Tường, “những người trung nghĩa từ xưa, tưởng không hơn được”, khảo luận và phê bình sử học, sắp xuất bản (2002).

(38) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 221.

(39) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 221.

(40) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 222.

(41) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 225, 239.

(42) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 219.

(43) CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, 2001, tr. 386, 388, 425. +++ “Còn ở tại Huế, sứ Pháp là Rayna [Rheinart] thuyết khách cho đến đỗi triều đình đã nhận về nguyên tắc là cần làm thêm một bản phụ lục cho hoà ước 1874, trong phụ lục này sẽ ghi chữ “bảo hộ” vào. Sở dĩ triều đình chưa kí với Pháp một bản hoà ước mới là vì, trong thời gian ấy, quân đội nhà Thanh vào Việt Bắc và Lý Hồng Chương đã sai sứ Thanh [:Đường Đình Canh] đến tận Huế dưới danh nghĩa một đoàn thương mại” (nguyên văn của GS. Trần Văn Giàu, tr. 386). +++ Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Duclerc gửi bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa Pháp Jauréguiberry, ngày 26.09.1882: “Hồi đầu tháng bảy, chính phủ Nam Kì (Pháp) có lúc tưởng rằng đã có thể vượt qua những khó khăn hiện tại. Triều đình Huế, có một lúc có giận dữ vì ta lấy Hà Nội, nay đã có thái độ hoà nhượng hơn, và ta tin rằng họ có thể kí một hoà ước phụ thuộc cho hoà ước 1874 [Giáp tuất], cương quyết hơn và rõ ràng hơn, đặt nước An Nam dưới sự bảo hộ của ta, trong những điều kiện na ná với xứ Tunysie. Thình lình, một chuyển hướng xảy ra trong trí của những cố vấn vua Tự Đức, họ tuyệt đối không nhận những đề nghị của ta nữa. Cũng như ngài, tôi nghĩ rằng sở dĩ như thế là vì ảnh hưởng của Trung Quốc… Cho nên cũng như ngài, tôi đồng ý là chính phủ Pháp phải có một thái độ cương quyết và quyết định để phá những mưu mô có thể đem lại những kết quả tai hại. Vả lại, từ lúc cuộc viễn chinh này bắt đầu thì bản bộ [Ngoại giao Pháp] đã theo một đường lối giống hẳn như đường lối bây giờ” (dẫn theo, tr. 386). +++ “Ngoại giao giữa ta và Pháp như thế là đoạn tuyệt; nhưng theo chỉ thị của Paris, Harmand cũng đã tìm cách báo cho Tự Đức biết là Pháp nhất định sẽ đòi sửa đổi hoà ước 1874, lập hoà ước mới với 27 khoản, đòi lập hẳn “bảo hộ”, quyền ngoại giao, thương chính, thuế vụ và quyền quân sự sẽ hoàn toàn về tay Pháp” (nguyên văn của GS. Trần Văn Giàu, tr. 425).

(44) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 226; CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, 2001, tr. 422 – 424.

(45) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 232 – 233.

(46) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 226.

(47) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 223.

(48) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 223.

(49) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 223.

(50) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 224.

(51) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 223; CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, 2001, tr. 430 – 433; Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi (VHN.), Nxb. Chính Ký, Hà Nội, 1951, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, tr. 23 – 24.

(52) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 224.

(53) Dẫn theo CXL., Nxb. Tp.HCM. tái bản, 2001, tr. 422.

(54) Phan Trần Chúc, Vua Hàm Nghi (VHN.), Nxb. Chính Ký, Hà Nội, 1951, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, tr. 24. Về cuốn sách này, chúng tôi đã phê phán ở các chú thích trước.

(55) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 224.

(56) Nguyễn Đắc Xuân (biên soạn), Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (PCĐT. Tr.TTh.), (trong đó có in lại bài viết của Đào Duy Anh trên Tập san Những người bạn cố đô Huế [Bulletin des amis du vieux Huế (BAVH.), linh mục Pháp Cadière làm chủ bút, số 4 – 6/ 1944]), Nxb. Thuận Hoá, 1992, tr. 71 – 72.

(57) Trần Quang Chu, Hành hương La Vang, sách in vi tính, tập 1, tr. 247 – 248, 282 – 283.

(58) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 224; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (ĐNLT.), bản dịch Viện Sử học, tập 4, Nxb. Thuận Hoá, 1993, tr. 125: “… quân Pháp trông xa không phân biệt được, bắn ra như mưa. [Nguyễn] Trọng Hợp bèn sai người thông dịch xé chăn vải trắng viết chữ “Âu”, đốt vội hoá vật trong thuyền để tỏ bảo. Quân Pháp, từ trong lửa sáng phảng phất, thấy hiệu cờ, tiếng pháo bèn thôi; rồi ông Hợp lên tàu thượng suý, cùng với viên đô thống Pháp ra mắt… […] … Bèn đưa Hợp làm phó toàn quyền cùng với chánh toàn quyền là Trần Đình Túc đều tới Sứ quán giảng định hoà ước…” (sđd., tr. 125).

(59) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 224 – 225.

(60) VHN., Nxb. Chính Ký, Hà Nội, 1951, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, sđd., tr. 32.

(61) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 224 – 225.

(62) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 225.

(63) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 225.

(64) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 225.

(65) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 225.

(66) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược (VNSL.), Nxb. Tân Việt, bản 1964, tr. 534 – 535; xem thêm “hoà” ước 1883.

(67) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 225 – 226.

(68) Theo một số tư liệu trong “Phạm Thận Duật, sự nghiệp văn hóa, sứ mệnh cần vương”, Hội KHLS.VN xb., 1997, tr. 356 – 361. Đây là một cuốn sách có nhiều chi tiết xuyên tạc, bịa đặt đầy ác ý (trong bài của PGS. Chương Thâu) với những cái gọi là tư liệu, không rõ xuất xứ, không được công chứng, chưa hề giám định, do đó, không thể có giá trị sử học. Xin xem thêm chú thích (73) ở truyện kí thứ chín của bộ truyện - sử kí - khảo cứu tư liệu lịch sử này.

Chú thích xong lúc 11 giờ 17 phút,
ngày 15.01.2003
(15.01 Q. mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.3])
.

TRẦN XUÂN AN

Cước chú của bản “HOÀ” ƯỚC QUÝ MÙI 1883:

(*) La République française (chữ française không viết hoa!). Đúng ra phải dịch theo cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt đồng thời đúng với ngữ nghĩa là: “nước Pháp cộng hoà” (nước Pháp theo thể chế chính trị cộng hoà), cũng tương tự như “nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Bởi quen hiểu và dịch sát theo nghĩa nước cộng hoà có tên là Pháp hoặc nước cộng hoà cuả người Pháp, nên phải viết hoa cả chữ Nước và chữ Cộng: “Nước Cộng hoà Pháp”. Như vậy sẽ không tương xứng với ba chữ “nước Đại Nam” (chữ nước ở trường hợp này không viết hoa)! “Nước Đại Nam” phải đổi thành cụm từ “Vương quốc Đại Nam” (chữ “Vương” viết hoa, chứ không phải chữ “quốc”!). Xin cáo lỗi với người dịch văn kiện này về một trường hợp thay đổi từ ngữ như trên.


Hết tệp 8
(phân đoạn 2)
Xin xem tiếp tệp 9
(phân đoạn 3), truyện kí 10
thuộc TẬP III bộ sách “PCĐT. NVT.”.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home