TRAN XUAN AN - PCDT NGUYEN VAN TUONG (tap III B)

Sunday, December 18, 2005

PHỤ CHÍNH ĐẠI THẦN NGUYỄN VĂN TƯỜNG (tập III B 9)

Tệp 9 – Tập III Blog B
(PHÂN ĐOẠN 3 TRUYỆN KÍ THỨ 10)


TRẦN XUÂN AN

BI KỊCH Ở ĐỈNH ĐIỂM MÂU THUẪN
VÀ SỰ CHIẾN THẮNG
CỦA NHÓM CHỦ CHIẾN YÊU NƯỚC TẠI TRIỀU ĐÌNH


Truyện kí thứ mười
(phân đoạn 3)

6

De Champeaux vốn đi theo Harmand, Courbet trong trận tấn công Thuận An. Sau khi “hoà” ước Quý mùi 1883 kí kết, y ở lại làm khâm sứ với quyền hạn rộng hơn trước, người Pháp gọi là trú sứ (résident). Y nhậm chức vào ngày 30 tháng 08.1883 (28.07 Quý mùi) (69). De Champeaux, kẻ đã từng vận động Trần Tiễn Thành để truất quan Thương bạc Nguyễn Văn Tường khỏi cơ quan ngoại giao – thương mại và đã từng nuôi kế hoạch “đập tan tành” ông, lúc này y lại đến, nhậm chức với chức trách nhiều quyền hạn hơn!
Thượng thư Bộ Công Trần Văn Chuẩn sung làm Thương bạc đại thần (70). Bức thư đầu tiên Trần Văn Chuẩn viết theo lệnh Hiệp Hoà gửi Lý Hồng Chương, trình bày “phái viên nước Pháp đến cửa Thuận An bắt hiếp phải “hoà”” (70) !
Quân ta phòng thủ ở cửa biển Tư Hiền cũng phải rút về kinh (71)!
Hiệp Hoà lại ra sắc dụ triệt thoái các quân thứ ở Bắc Kì và thi hành các điều khoản nhục nhã khác về việc chấp nhận các quan chức do Pháp mới dựng lên ở ngoài ấy, tức chấp nhận những tên cỡ như ngụy tổng đốc Trương hồi Quý dậu 1873:
“… Đã phái bọn toàn quyền đại thần Trần Đình Túc, Nguyễn Trọng Hợp cùng với nước ấy bàn định “hoà” ước ấy, tuy chưa được hai nước kí tên đóng ấn, nhưng đã cùng với toàn quyền nước ấy bàn định. Trong ấy, khoản thứ tư (IV) nói, hiện nay quân đánh dẹp ở Bắc Kì tức khắc gọi về, trừ ra quân trong ngạch thời bình vô sự [quân chỉ đủ khả năng giữ gìn trật tự trị an] thì đóng lại; lại khoản thứ năm (V) nói, nên lập tức rút quan quân ở Bắc Kì, điều về chỗ làm việc cũ của mình [quân vốn ở đâu thì về chỗ ấy, chứ không được bố trí theo thế trận tấn công, phòng thủ gần đây]; lại phái quan viên điền bổ ngạch khuyết [vì một số quan ta đã bỏ nhiệm sở, bất hợp tác]; lại nên cùng với nước Pháp, hai bên bàn bạc, cấp bằng thực thụ cho các quan viên mà nước Pháp hiện đã đặt ra. Các việc như thế. Trừ cả hoà ước sẽ cho sao lục để thi hành ra, còn quân thứ hiện tại ở Bắc Kì, [từ] đại tướng quân đến biền binh đoàn dũng đều phải lập tức triệt bãi, hoặc về kinh, hoặc về tỉnh, hoặc về chức cũ, đều nên theo như cũ, cho khỏi ngăn trở lỡ việc…” (72) .
Thượng thư Nguyễn Văn Tường đành phải làm những công việc bình thường ở Bộ Hộ. Ông đang kí vào một tờ tâu bài trừ tệ nạn tham ô, nhũng nhiễu vòi ăn lễ lạt của quan chức trong các kì thu thuế (73).
Thượng thư Nguyễn Văn Tường chưa bao giờ cảm thấy buồn đến xót xa như thế này, trước tình cảnh chung của Đất nước và trong không khí thê lương tại triều đình.
Những ngày đầu tháng tám Nam lịch Quý dậu (1883) này còn là dịp rước quan tài vua Tự Đức từ hoàng thành Huế lên Khiêm lăng, đặt vào Điện Hoà khiêm. May thay, ngày đưa quan tài vua Tự Đức lên thuyền rồng để chở lên lăng theo ngược dòng sông Hương, trời đã sang thu, sau khi mưa gió luôn mấy hôm, bỗng tạnh ráo (74).
Đến Viện Cơ mật – Thương bạc sau Tả vu Điện Cần chánh, thượng thư Nguyễn Văn Tường lại đau đớn đọc bản tập tâu về sự lộng hành của Pháp tại Bắc Kì: “Lính Pháp vào huyện An Dương (thuộc Hải Dương) bắt hiếp viên tri huyện là Trần Đôn xuống thuyền. [Trần] Đôn nhảy xuống sông chết. [Tâu chi tiết hơn:] [Trần] Đôn bị người Pháp bức bách xuống tàu thuỷ nhỏ, đem lên tỉnh thành. [Trần] Đôn không chịu đi, nhảy xuống sông trẫm mình” (75) .
Ông lại nghiên cứu bản dụ của vua Hiệp Hoà và các phản hồi từ nhân dân các tỉnh, nhất là các tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, và từ các sinh viên Quốc tử giám. Đó là bản dụ trấn an nhân dân, vì trong nhân dân có những sự đồn đãi tin thất thiệt hoặc hoang mang lo sợ chiến tranh, lương – giáo phục thù, đến mức có nhiều người, nhiều nhà bồng bế, gánh gồng tản cư, trốn chạy. Đó còn là bản dụ trách móc, mỉa mai lực lượng sinh viên yêu nước, quyết chí ném bút nghiên, tòng quân đánh giặc một cách vô lí của vua Hiệp Hoà: “Đến như các học trò ở Quốc tử giám, trước đã xin đi đánh giặc, ta đã không cho, nay lại nhân thể để cầu tiếng trung nghĩa. Tin tức truyền đi, càng sinh ra mối ngờ vực. Những thói điêu ngoa như thế, đáng chán, đáng giận” (76) !!!
Tháng tám nguyệt lịch, mùa trung thu! Thượng thư Nguyễn Văn Tường lại nhận được tập tâu từ Thanh Hoá: “Tàu nước Pháp qua ngoài khơi [của] đồn cửa biển Y Bích, bắn súng lớn rồi đi” (77) ! Đất nước đã đến lúc không thể kiểm soát được nữa chăng?
Những mẩu tin từ các tập tâu, những bản dụ thể hiện cả một bối cảnh đau lòng của Tổ quốc và nhân dân.

7

Vụ truất phế Ưng Chân (Dục Đức) vẫn chưa giải quyết xong!
“Khoa đạo là Hoàng Côn, Đặng Trần Hanh tâu nói:
“Hôm trước ở Tả vu Điện Cần chánh, cứ viên đồng phụ chính đại thần là Tôn Thất Thuyết nói rõ, là có một đoạn trong di chiếu của tiên đế răn bảo vua nguyên nối ngôi, vì vua nguyên nối ngôi sao lục ra đã bỏ bớt đi, đại thần Trần Tiễn Thành tuyên đọc cùng bỏ đoạn ấy đi, có phần không phải” (78).
[Vua Hiệp Hoà bảo:]
“Trẫm xét: Ngày tiên đế ngồi tựa ghế ngọc, các phụ chính đại thần đã xin bớt đoạn ấy đi. Tiên đế không nghe, đủ biết là tiên đế nghĩ việc phó thác tôn miếu, xã tắc là việc trọng đại, lo sâu nghĩ xa, cho nên nói khẩn thiết như thế. Đại thần được dự nghe mệnh lệnh dặn lại, phải nên trên thể theo ý của tiên đế mà tuyên bố cho mọi người nghe, lại coi như bỏ rơi; trước đã xin bớt mà không được, nay lại tự bỏ đi mà không đọc”.
[Các bầy] tôi [ở Khoa đạo] cho là: “Vua nguyên nối ngôi bỏ bớt lời di chiếu, chưa chắc đã không phải tự viên đại thần ấy dẫn đường ra trước. Vậy xin giao cho đình thần bàn xét để nghiêm kỉ cương”.
Vua giao cho đình thần bàn…” (78)
.
Đó là biên bản các sử quan ở Quốc sử quán ghi nhận.
Hôm đình nghị ấy, thượng thư Bộ Hộ, đại thần Viện Cơ mật – Thương bạc Nguyễn Văn Tường có tham dự. Ông đứng bên cạnh đại thần Tôn Thất Thuyết. Hai vị quan lớn đã từng chủ trương và quyết hành động vì quyền độc lập của Đất nước, vì quyền tự chủ và sự bền vững của triều Nguyễn, trong vụ phế truất Dục Đức, cảnh cáo Trần Tiễn Thành, hiện cả hai vị đang đứng bên nhau cùng với triều thần phân tích lại di chiếu, di chúc của tiên đế Tự Đức và vụ việc ấy.
Đại thần Trần Tiễn Thành không còn đau buốt hai chân nữa. Vẫn da thịt hồng hào, đỏ đắn, ông ta lại giữ được vẻ đường bệ trước đây, bước đến chỗ tấu sự, đọc bản sớ trình bày vụ việc. Dẫu muốn hay không, Trần Tiễn Thành cũng phải cố gắng trình tấu một cách trung thực, đúng như sự thật đã xảy ra:
“Ngày mười bốn (14) tháng trước [tháng sáu nguyệt lịch], tiên đế triệu chúng thần vào điện, thần Trần Tiễn Thành cùng chúng thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, để trao cho chúng thần tờ di chiếu đựng trong hộp. Chúng thần sang phòng thái giám để kính đọc.
Di chiếu có đoạn như sau: “Tính hiếu dâm, ngoài ra tâm tính rất xấu, không chắc đương nổi việc lớn”.
Thần Nguyễn Văn Tường nói: “Di chiếu là để lập người nối ngôi trời, sợ đoạn này không hợp lắm, nên xin bỏ đi”.
Thần Tôn Thất Thuyết và tiện thần Trần Tiễn Thành cũng cùng một ý. Và chúng thần đã cùng dâng sớ tâu xin như thế. Nhưng tiên đế bác đi.
Ngày mười tám (18), Thụy quốc công [Ưng Chân] triệu chúng thần đến Điện Quang minh và bảo: “Nhà vua đứng đầu trăm họ cũng phải là người đứng đầu về đạo đức. Trong di chiếu của tiên đế, vì lo cho tương lai nên có lời răn bảo nghiêm khắc, chẳng hạn như đoạn nói về sự bê tha”. Hoàng tử nói không dám trái ý tiên đế, nhưng bảo thêm: “Tuy nhiên, đúng vào lúc trong nước rối loạn, quan hệ ngoại giao thì căng thẳng, nếu tin đồn về di chiếu loan ra, chẳng những bọn gây rối lấy đó làm cớ, mà các lân bang cũng vì vậy mà coi khinh. Làm thế nào cứu gỡ tình hình này?”. Hoàng tử hỏi có thể bỏ đoạn ấy không, nhưng tự mình không dám. Chúng thần đáp là hội đồng phụ chính đã xin bỏ đoạn ấy nhưng tiên đế không cho, và nay thì không còn có thể thay đổi gì được nữa. Hoàng tử yêu cầu mọi người suy nghĩ thêm, sao cho khỏi tổn hại đến việc quốc gia.
Ngày mười chín (19), (ngày tuyên đọc di chiếu), thần Nguyễn Văn Tường cáo bệnh xin nghỉ. Tiện thần cũng nhiều lần xin cáo vì tuổi già. Thần Tôn Thất Thuyết cho rằng thần là bậc trưởng lão, không chịu vượt qua [khó khăn] để đọc di chiếu. Thế mà lễ tuyên chiếu đã sẵn sàng. Không thể từ nan, thần phải tuyên đọc di chiếu. Song thần quá đỗi đau thương nên mắt mờ, tai điếc, tâm trí bất định do gần đây có bệnh. Thần cũng không nhớ rõ mình có sai sót gì không trong khi đọc. Nay quan Khoa đạo hặc tội, thần xin chịu mọi hậu quả” (79)
.
Trần Tiễn Thành đã đọc bản sớ ấy trong một cuộc đình nghị cuối tháng bảy trước. Đến thượng tuần tháng tám nguyệt lịch này, định nghị thêm một lần nữa, và đã đi đến kết luận chung.
Biên bản do sử thần Quốc sử quán ghi nhận tiếp:
“Vua giao cho đình thần bàn, mọi người đều xin chiểu luật “truyền tả chế thư sai lầm” mà xử tội trượng, cách chức.
Vua cho là:
“Đời xưa thời bình, chính giản [:chính sự giản đơn], cũng còn dùng người cũ, nữa là ngày nay thời khó khăn, việc nhiều, há nên đem viên đại thần bốn triều, lầm một cái mà không dung thứ ư? Đổi làm giáng hai cấp, lưu [nhiệm] ”” (78)
.
Hai quan Khoa đạo (Viện Đô sát) Hoàng Côn, Đặng Trần Hanh chỉ nói thêm:
- Tâu hoàng thượng, dẫu sao, hai bản thủ bút di chiếu, di chúc của tiên đế Dực Tông (Tự Đức) vẫn còn nguyên vẹn. Bản bị sửa chữa là bản sao. Hoàng trưởng tử Ưng Chân “sai sao tờ di chiếu, tự tay xoá bỏ đoạn ấy đi; dặn Trần Tiễn Thành nhớ mà làm (11) [“đọc nhỏ, hàm hồ không rõ”]” (11) . Đó là tang chứng, vật chứng. Xin lưu lại cho công luận muôn đời sau.
Hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết trước đây đã tâu xin không những giao vấn đề cho đình thần mà cho cả Phủ Tôn nhân cùng hội đồng để xét xử. Mức án được định ra: “Chiểu theo như lệ Xương Ấp vương [đời Hán, bị Hoắc Quang phế truất], tước cả chức tước và ấp phong, đuổi về ngạch cũ (công tử), vẫn để nguyên tên cũ, cái nhà ở cũ xoá bỏ tên gọi của đường (Dục Đức), vẫn được ở đấy như cũ. Cần chi tiêu sai bảo gì, liệu đặt người dạy bảo, thì đều [do] ti có chức trách nghĩ làm. Lại thường kiểm thúc, xem xét để tỏ ra ân tình và pháp luật đều vẹn cả” (80) . Nhưng vẫn chưa bằng lòng, vua Hiệp Hoà giao cho Viện Cơ mật – Thương bạc xét lại (80). Viện – Bạc gồm Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Trọng Hợp lại đưa ra mức án khác, ngoài việc xử như Xương Ấp vương, chỉ hơi nặng hơn một chút về tiện nghi sinh hoạt: “Xin để cho ở một cái nhà cũ, một cái nhà bếp, năm tên lính hầu, để phòng sai khiến. Và đổi đặt một tên dực thiện đi lại coi xét, dạy bảo. Nhưng bắt đề đốc kinh thành cùng các viên ở phủ Thừa Thiên phải để ý phòng giữ (không cho người tạp nhạp ra vào). Và Phủ Tôn nhân thời thường kiểm sát” (80) . Vua Hiệp Hoà vẫn âu lo sẽ tái diễn bi kịch đẫm máu thời Tự Đức với các vụ biến động Hồng Bảo, Đinh Đạo . Nhà vua bảo: “Cái nhà ấy sâu rộng, coi xét làm sao được!” (80), “bèn cho nguyên tự quân [Dục Đức] dời đến ở Giảng đường Viện Thái y; vất bỏ cái biển (Dục Đức) ở cửa cái nhà cũ đi. Chuẩn cho lấy cái nhà trước làm nhà kinh thành đề đốc, nhà sau làm biệt thự của Nội các” (80) .
Hai thượng thư Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết thấy mọi việc đã minh bạch, về Dục Đức (Ưng Chân) cũng như về Trần Tiễn Thành. Thực chất của vấn đề, triều thần không nói cặn kẽ, nhưng không một ai không biết, ấy là sự mâu thuẫn giữa hai khuynh hướng chủ “hoà” và chủ chiến đã đi đến điểm đỉnh của nó, buộc phải bùng nổ thành cuộc truất phế và cảnh cáo đầy tính bi kịch như thế. Triều thần cũng không phải không hiểu ẩn ý của vua Tự Đức đằng sau bình diện minh văn của những dòng chữ thủ bút chính tay vua Tự Đức viết trong sự đắn đo, nghĩ ngợi, nghiền ngẫm: Vua Tự Đức vừa xử trị Dục Đức về tội thân Pháp, “tả đạo”, vừa muốn các đại thần thanh minh cho nhà vua về vụ Hồng Bảo, Đinh Đạo.
Dẫu sao, đó cũng là một bi kịch. Bi kịch ấy chưa chấm dứt ở đó. Đỉnh điểm của bi kịch vẫn còn bị tăng cấp! Mười ba tháng sau, vào tháng tám, đầu tháng chín năm Giáp thân (1884), dưới triều vua Hàm Nghi, Dục Đức (Ưng Chân) lại thêm một lần cuối cùng bị xử lí…
Bỗng dưng…
Ngày bính thìn tháng tám nguyệt lịch, sắc mặt trời lúc mới sáng thì màu xanh, dần dần lại biến ra màu trắng (81)! Người đi đường không có bóng. Và suốt ngày không lúc nào có ánh sáng (81). Đó là một hiện tượng thiên văn rất đỗi lạ lùng!
Theo thông lệ, căn cứ vào thuyết thiên – địa – nhân cảm ứng, ba đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết dâng sớ xin vua tự trách mình, sửa chữa chính sự và tự cho ba người bất tài, không giúp được vua điều gì cho thực có công hiệu, xin nhà vua thu lại chức phụ chính (81). Vua Hiệp Hoà trách ba đại thần khéo tránh việc (81)…
Thật ra đó chỉ là một thông lệ bình thường để vua quan có dịp tự phản tỉnh, suy xét lại những gì mình đã làm với những câu hỏi tự vấn. Liệu những tên thực dân Pháp, “tả đạo” Pháp và Ưng Chân, vua nối ngôi bị truất phế, hiện đang sống với vợ con thê thiếp tại Giảng đường Viện Thái y, có tự phản tỉnh, tự vấn lương tâm?

8

Tình hình triều đình và mặt trận Bắc Kì vẫn không hề yên tĩnh!
Các quân thứ Bắc Kì do Hoàng Tá Viêm làm thống đốc vẫn không chịu tuân theo sắc dụ triệt thoái quân binh do vua Hiệp Hoà ban bố vào tháng trước. Nay vua Hiệp Hoà lại cùng cánh chủ “hoà” do Trần Tiễn Thành đứng đầu lại đưa ra một sắc dụ khác. Nhà vua biết rằng “những khoản trong “hoà” ước có nhiều điều bị kém, bị nhục, khó chịu. Đáng lẽ ta không nghe. Nhưng vì từ cung tuổi già, linh cữu của tiên đế chưa chôn, lòng trẫm rất không yên, [nên] đã dụ cho văn võ đình thần lấy “hoà” ước làm cuộc nhất định” (82) ! Hoàn toàn vin vào những cớ không một chút nào vì dân, vì nước! Bản dụ còn viết: “Nay nên do quan quân thứ viết thư hỏi toàn quyền nước Pháp [Harmand] nên chiểu theo “hoà” ước, giao trả cho ta các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hải Dương để quan ta cai trị [bên cạnh có công sứ Pháp kiểm sát, chỉ huy], thì quân thứ các ngươi lập tức rút binh dõng về để tỏ là ta thực tiễn “hoà” ước. Còn đoàn quân Lưu Vĩnh Phúc cùng quan nước Thanh không phải ta sai bảo được! [Trẫm] đã ước cùng quan nước Pháp tự làm [:đánh dẹp] lấy, [đoàn quân của họ Lưu] đối với ta không can thiệp gì. Cũng nên do quân thứ đem sự tình ấy viết thư cho toàn quyền nước Pháp biết. Như thế mới hợp thời thế” (82) !
Đã thế, cánh chủ “hoà” chiếm số đông trong triều thần, hoàng tộc, lại nổi lên những lời công kích trực tiếp vào thượng thư Bộ Binh, đại thần Viện – Bạc Tôn Thất Thuyết, đến nỗi “thượng thư Bộ Binh Tôn Thất Thuyết xin thôi, không giữ việc binh, cho dẹp tắt lời bàn bậy” (83) . Hẳn là rất trúng ý vua Hiệp Hoà, nhưng nhà vua vẫn còn nể nang vị đại thần đã có công tôn lập. Vả lại, đúng là tài thao lược của điện tiền tướng quân Tôn Thất Thuyết, như nhà vua nói, tuy với lời xã giao hoặc nói chung chung: “Việc binh khó tìm người thay” (83) . Tuân sắc dụ, Viện Cơ mật và Thương bạc phải xét vấn đề để phúc tâu.
“Việc binh tự lâu vẫn lần lữa theo cũ, thực khó tìm người giữ nổi chức ấy. Nay viên ấy vì người ta chê trách nhiều, mà cố xin từ chức. Nếu được từ chức về dưỡng bệnh, thực bởi lòng hoàng thượng chiều thương, không có điều gì đáng bàn. Nhưng đương lúc lòng người ngờ sợ này mà tự ý dò tính, hoặc cho là chỗ vua tôi có điều ngờ vực nhau, sợ không thể làm cho thoả mãn được tai mắt mọi người. Nghĩ xin chọn ở trong ba bộ: Lại, Hộ, Công, liệu cho đổi lẫn để tỏ lòng chí công, mà im lời bàn bậy” (83) .
Đó là lời tâu của Viện Cơ mật – Thương bạc, gồm những đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Trọng Hợp! Viện – Bạc đã bị cân bằng số phiếu chủ “hoà” và chủ chiến, và uy thế phía chủ chiến đã bị áp lực làm giảm thấp khá nhiều! Vua Hiệp Hoà đồng ý, đổi Tôn Thất Thuyết sang Bộ Lễ (83). “Ấn triện Bộ Binh giao cho bọn tham tri là Hà Văn Quan hội đồng quyền giữ” . Sau đó, Nguyễn Trọng Hợp phải ra Bắc Kì làm khâm sai để cùng Pháp thực thi “hoà” ước Quý mùi 1883 (!), nên đại thần Tôn Thất Thuyết lại qua làm thượng thư Bộ Lại (83).
Đoàn khâm sai đại thần ra Bắc, gồm thượng thư Bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp (chánh), thượng thư Bộ Công Trần Văn Chuẩn (phó), tham tri Bộ Lại Hồng Phì (phó), biện lí Bộ Lễ Đinh Văn Giản (tham biện) (84) với nhiệm vụ thuyết phục quan quân và nhân dân chịu Pháp “bảo hộ” với chế độ công sứ Pháp bên cạnh quan Đại Nam, giao nhận thành trì, hoàn toàn triệt thoái binh dõng!!! Đó là đoàn khâm sai đại thần bị quan quân cùng phần lớn nhân dân tại Bắc Kì phản đối kịch liệt.
Tại triều đình mâu thuẫn vẫn dâng cao, ở Bắc Kì cũng tình trạng như thế!
Thực dân Pháp quyết dùng vũ lực tiêu diệt quân thứ Sơn Tây, lực lượng quan trọng nhất, do thống đốc Bắc Kì, bình Tây trấn Bắc đại tướng quân Hoàng Tá Viêm trực tiếp chỉ huy. Tại Sơn Tây, còn có lực lượng đoàn dũng của đề đốc, Nghĩa Lương nam Lưu Vĩnh Phúc.
Lực lượng tiến binh của Pháp lên đến bốn mươi hai (42) chiếc tàu binh, hai nghìn (2.000) quân (85). Chúng tiến theo hai đường, thuỷ và bộ. Trận chiến nổ ra dữ dội, quyết liệt tại các xã Thượng Mỗ, Hạ Mộ [Mỗ] (thuộc phủ Hoài Đức), Đoài Khê (thuộc huyện Đan Phượng), tỉnh Hà Nội. Quân ta, quân họ Lưu và cả quân nhà Thanh cùng phối hợp phản công rất hào hùng. Tiếng súng vang rền suốt ba ngày đêm, từ mùng một đến mùng ba tháng tám nguyệt lịch Quý mùi (01 – 03.09.1883). “Quân Pháp lại thua ([ta] bắn vỡ [vừa] tàu to, vừa tàu nhỏ: ba (3) chiếc; bắn chết hơn ba trăm (300) lính Pháp)” (85) .
Ta hoàn toàn thắng trận (85)!
Đây là trận đánh thứ hai có sự tham chiến viện trợ của quan binh nhà Thanh.
Tin báo tiệp tâu vào triều đình. Hoàng Tá Viêm cũng tâu sẽ rút quân về Sơn Tây, và sẽ tâu tiếp vào lần sau. Vua Hiệp Hoà đành phải thuyết phục Hoàng Tá Viêm: “Ta vẫn biết cục “hoà” ước có nhiều điều khó chịu, nhưng vì thế bách buộc, không thế không được. Nay cục “hoà” mới định, lòng người tạm yên…” (85); “nếu cố chấp ý kiến riêng mà bàn khác đi, thì một góc xa xôi, nếu có thể chắc là giữ được, nhưng còn kinh sư và tôn miếu, xã tắc thì làm sao? Huống chi họ nhiều lần nói xin ta rút quân, cho nên không làm thế không được” (85) .
Pháp vẫn ngang ngược đem quân kị mã, hơn ba trăm tên, theo đường bộ đến huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định. Nhân dân sợ hãi, náo động (86).
Pháp lại bắt hiếp tỉnh thần Hải Dương đến Hải Phòng. Tổng đốc Lê Điều, tuần vũ Nguyễn Văn Phong, bố chính sứ Vũ Túc đều bị giam dưới thuyền, nhưng bọn Pháp vẫn buộc họ làm việc quan theo ý chúng (87). Bố chính sứ Vũ Túc (cử nhân Nam Định) uất ức, không chịu khai việc đinh điền, và chết vì không chịu nổi bọn Pháp làm nhục. Về sau, Lê Điều nhờ đoàn khâm sai thương thuyết mới được tha. Ông liền cáo ốm, xin nghỉ (87).
Lãnh tuần phủ Hà Nội Vũ Nhự “cùng với phái viên Pháp không hợp nhau” (88) , vì ông vẫn chống lại chúng, nên được điều vào kinh làm tả thị lang Bộ Binh (88).
Cho đến tháng chín nguyệt lịch, quan chức Bắc Kì vẫn không tài nào cam chịu nổi bọn Pháp hống hách, ngang ngược và bạo tàn. Tham tán đại thần quân thứ Bắc Ninh Bùi Ân Niên được điều bổ làm tổng đốc Ninh – Thái. Ông dâng sớ xin từ, chỉ muốn vào kinh. Nhưng rồi, cuối cùng ông không được lệnh vào kinh, cũng không đến nhận chức tổng đốc (89). Ông cáo ốm. Đề đốc Nam Định Tạ Hiện lại đi mộ nghĩa dũng, quyết chống Pháp đến cùng. Pháp cố mời ông đến, ông khước từ. Vua Hiệp Hoà cũng không chuẩn theo lời tâu xin của tổng đốc Thanh Hoá cho Tạ Hiện về tỉnh ấy (90)! Đến tháng mười, vua Hiệp Hoà triệt cả đề đốc Tạ Hiện lẫn đề đốc Tôn Thất Hoè về kinh, nhưng Tạ Hiện đã nhận ấn nhà Thanh, liên lạc với các quan, chiêu mộ nghĩa dũng, chờ quân Thanh tiếp tục sang để kháng chiến chống Pháp (90). Cũng như đề đốc Tạ Hiện, “tán tương quân thứ Sơn Tây Nguyễn Thiện Thuật (cử nhân người Hải Dương) nhận trát của quan nhà Thanh, đem quân nhà Thanh về Hải Dương gọi họp quân nghĩa dũng, đánh nhau với Pháp. Các nơi trong hạt ấy đều khởi quân để ứng theo. […] Từ đấy về sau, [quân do Nguyễn Thiện Thuật chỉ huy] thường thường đến sát tỉnh thành đánh nhau với Pháp, bên nào cũng có tử thương” (91) ! Rất tiếc, mặc dù mục đích là rất chính nghĩa, nhưng Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật không độc lập khởi nghĩa, tranh thủ viện trợ, lại mượn danh nghĩa nhà Thanh và chiến đấu dưới cờ của họ!
Trong tháng mười ấy, “thân hào, xã dân ở Thừa Thiên, Quảng Trị cùng nhau đoàn kết, chiêu mộ dân dũng. Vua dụ sai phủ doãn, tỉnh thần hiểu thị nghiêm sức để cho họ yên thường giữ phận, chớ phạm việc trái phép [!]” (92) !
Bọn thực dân viễn chinh Pháp lại nghi ngờ tuần phủ Hải Dương Nguyễn Văn Phong, tuần phủ Quảng Yên Hoàng Vỹ đã mật kết với quân thứ Sơn Tây, nên chúng giải hai ông xuống thuyền chở vào Gia Định (93)! Bọn Pháp còn kết án tuần phủ Nguyễn Văn Thận đã nhiều lần tải thuốc súng, lương thực đi Sơn Tây, căn cứ vào tờ thông tư mật của ông. Chúng bắt ông về Hà Nội, bắn chết (93). Chúng lại bắt cả án sát Vũ Ích Khiêm (về sau, khi được giặc thả, ông cáo bệnh, xin nghỉ) (93).
Không những thế, pháp còn xem Đất nước ta như chỗ cho chúng lộng hành. Đem năm trăm (500) quân, bọn Pháp đến Sơn Tây lấy đầu và xác Henry Rivière đưa về (94). Công sứ Pháp còn đến thẳng ngoài cửa Khiêm cung, nơi Khiêm hoàng hậu Vũ thị đang cư tang vua Tự Đức, để chơi xem (95) (?!?).Người đóng ở đó và quản suất không bảo ban, ngăn cản tên thực dân ấy được. Họ đều phải bị giáng hai cấp, lưu nhiệm! Pháp lại đến núi Linh Thái (thuộc cửa biển Tư Hiền, Thừa Thiên) cắm nêu, đánh dấu ba vị trí để ngắm qua thấu kính nhằm vẽ bản đồ, và đo mực nước (96). Chúng lại ngăn chận bến đò Ninh Bình, đóng quân ở núi Dục Thuý, đặt công sứ tại đấy để kiểm sát quan ta. Phủ mới tại Yên Khánh thuộc tỉnh ấy, chúng cũng dỡ đi (97)! Pháp còn bắt tỉnh thần Ninh Bình giao sổ đinh điền cho chúng, để chúng điều nghiên, quản lí (97). Ở tỉnh Quảng Yên, cũng thế, Pháp ngang tàng bố trí công sứ, đóng quân (97)! Pháp còn chỉ huy lính mộ đến đạo Mỹ Đức (thuộc Hà Nội) ức hiếp quan quân ở đấy để lấy hai thớt voi trận (98). Tại Hưng Yên, chúng đến hành cung, yêu cầu sửa lại làm trụ sở, đồng thời còn ngang ngược hỏi số lượng tiền bạc tồn kho, thuốc súng, khí giới (99)!
Từ sau khi kí kết “hoà” ước Quý mùi (1883), tình trạng quân quan và nhân dân ta vô cùng tủi nhục, đau xót!
Khoảng cuối hạ tuần tháng tám nguyệt lịch Quý mùi (1883), vấn đề liên minh với nhà Thanh vẫn được nỗ lực vận động, nhưng hầu như vua Hiệp Hoà không chú trọng điều đó. Khi “tổng đốc Quảng Đông nước Thanh là Tăng Quốc Thuyên đưa thư trả lời, nói là đã đem các văn thư của nước ta chuyển đạt lên [hoàng đế Quang Tự nhà Thanh] rồi. Vua [Hiệp Hoà] xem thư, nói rằng: “Xem kĩ thì biết viên tổng đốc này hình như sợ người Pháp hiềm thù, cũng đồng ý với Cung Thân vương, Lý Hồng Chương, cho nên tự trước không chịu ra mặt giúp đỡ ta. Nay dẫu có ý tốt cũng muộn quá rồi. Huống chi họ còn đương biện luận chưa biết bao giờ xong, chỉ phô trương đến nghĩa hão mà không ích gì vậy”” (100) !
Còn đoàn khâm sai Phạm Thận Duật, Nguyễn Thuật và khâm phái Nguyễn [Thượng] Phiên?
“… Đến tháng tám, vừa được “hoà” ước mới của Lãng quốc công [Hồng Dật, tức là Hiệp Hoà], có khoản “nước Thanh cũng không được dự việc của nước ta”, [nhà Thanh] bèn vin cớ ấy, nhân [đó] để trút trách nhiệm. Nguyễn Phiên đóng ở Quảng Đông thì tổng đốc Quảng Đông cũng sợ người Pháp giận. [Khâm phái ta] nhiều lần cầu vào yết kiến, [tổng đốc Quảng Đông] đều lấy cớ ốm, từ chối. Rồi [cả Phạm Thận Duật, Nguyễn Thuật lẫn Nguyễn Phiên] đều đến mùa đông năm [Quý mùi] ấy, lục đục trở về” (101) !
Tuy vậy, hồi tháng chín nguyệt lịch Quý mùi (1883), về việc sắc phong cho vua nối ngôi Hiệp Hoà, tuần phủ Quảng Tây nước Thanh Nghê Văn Uý đã phúc đáp văn thư rằng nhà Thanh sẽ cử sứ sang phong sắc như thông lệ cũ. Vua Hiệp Hoà phái thượng thư Nguyễn Văn Tường cùng viên linh mục hành nhân (thông ngôn) Nguyễn Hữu Cư đi qua Sứ quán thông báo cho De Champeaux để y chuyển thông tin ấy về chính phủ Pháp (102). Rất cực lòng, nhưng thượng thư Nguyễn Văn Tường phải tuân hành, và tất nhiên theo cách của ông. Ông xem đó là dịp để khẳng định cho De Champeaux và tất cả bọn Pháp biết rằng, triều đình Đại Nam vẫn không đọan tuyệt quan hệ ngọai giao với Trung Hoa! De Champeaux rất tức giận, vì đây là một điều, ngay từ lúc kí kết “hoà” ước Giáp tuất 1874, Pháp đã muốn cắt đứt và tìm mọi cách để cắt đứt quan hệ ngoại giao Trung Hoa – Đại Nam. Chúng thừa biết việc sắc phong này, lúc bấy giờ, chỉ là một cách công chứng tính chính thống của vị vua nối ngôi trên phương diện ngoại giao khu vực và quốc tếa”nhưng vẫn cố tình gây khó dễ. De Champeaux yêu sách vô lí, đòi xem tờ biểu báo tang của nước ta, bản chính văn thư phúc đáp của tuần phủ Quảng Tây! Viện – Bạc đành phải theo sắc dụ của vua Hiệp Hoà trao cho De Champeaux xem (102)! So với vua Tự Đức, thấy rõ là Hiệp Hoà đã quá khiếp nhược và chỉ muốn ấm chỗ trên ngai vàng!
Hiệp Hoà hầu như rất triệt để tuân theo “hoà” ước Quý mùi 1883, “hoà” ước mà không một ai chịu nổi ngoài nhà vua và cánh chủ “hoà”!
Quả thật, vua Hiệp Hoà chỉ muốn giữ yên ngai vàng, vun quén cho thân mẫu, ngoại thích.
“Nhắc viên Cẩm y hiệu uý là Nguyễn Duy Thiện làm nhị đẳng thị vệ (vì [Nguyễn] Duy Thiện là cháu gọi vua bằng cậu)” (103) !
Từ tháng chín, vua đón hoàng thái phi Trương thị vào ở Cung Khôn thái, dâng lên mẹ vàng bạc, gấm lụa, tiền đồng, tiền kẽm… Ngay việc cấp lương cho mẹ, vua Hiệp Hoà cũng trực tiếp gợi ý cho Bộ Hộ, Bộ Lễ với mức lương cao hơn cả Khiêm hoàng hậu (vợ vua Tự Đức) (104)!!!
Đối với Hiệp Hoà, vua mới lên ngôi, hai đại thần Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết đã đi từ chỗ hi vọng ở vua về ý chí cứu nước, cứu dân, đến nay họ đã rơi xuống tâm trạng thất vọng, và cuối cùng, lúc này, trong lòng họ không thể không căm ghét vị tân vương tầm thường đến mức tệ hại như thế!

Hết tệp 9 (phân đoạn 3, truyện kí thứ 10)

Khởi viết truyện kí thứ mười này vào lúc khoảng 07 giờ
ngày 01.01.2003.
Viết đến dòng chữ này lúc 18 giờ 05 phút,
ngày mùng 04.01.2003 (02.12 Nh. ngọ HB.3)
tại thành phố Hồ Chí Minh
.

TRẦN XUÂN AN


(69) Theo chú thích ở cuốn “Nước Pháp và những vụ việc ở Bắc Kì, theo văn kiện chưa công bố” (L’Occoption du Tonkin par France (1873 – 1874), d’après des documents inédits, BSEI., p. 85” (BAVH. 1915) của Jean Marquet và Jean Norel.

(70) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 226.

(71) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 226.

(72) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 226 – 227.

(73) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 228, 238. Trích nguyên văn về việc Nguyễn Văn Tường chống tham ô: “Gạo kho ở cửa biển Thuận An (kho tạm) chở về kho ở kinh. Lang trung Thuyền chính là Nguyễn Văn Tán, phó giám lâm Thương trường là Nguyễn Văn Cư cùng bọn chủ thủ hội đồng ao lại để chứa. Thu được nhiều mà báo có ít. (Biên bản của hội đồng gạo tám ngàn một trăm bốn mươi [8.140] phương, đến lúc ao lại, thừa gạo ra bảy trăm tám mươi chín [789] phương). [Do đó], bị chưởng vệ là Trần Khắc Trung, viên ngọai lang là Nguyễn Tuấn tố giác ra. Bộ Hộ và Thuyền chính đem việc tâu hặc lên…” (sđd., tr. 238) .

(74) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 228 – 229.

(75) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 229.

(76) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 230.

(77) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 231.

(78) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 231.

(79) PCĐT. Tr.TTh., (trong đó có in lại bài viết của Đào Duy Anh trên Tập san Những người bạn cố đô Huế [Bulletin des amis du vieux Huế (BAVH.), linh mục Pháp Cadière làm chủ bút, số 4 – 6/ 1944], bản dịch Bùi Trần Phượng), Nxb. Thuận Hoá, 1992, sđd., tr. 71 – 72.

(80) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 231 – 232.

(81) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 234.

(82) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 234 – 235.

(83) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 235 – 236.

(84) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 237.

(85) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 236 – 237.

(86) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 238.

(87) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 238 – 239.

(88) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 239.

(89) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 245.

(90) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 247, 248.

(91) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 253.

(92) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 249.

(93) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 255.

(94) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 242.

(95) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 243.

(96) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 243.

(97) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 244.

(98) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 247.

(99) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 2498.

(100) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 239.

(101) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 161 – 162.

(102) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 246.

(103) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 239.

(104) ĐNTL.CB., tập 35, 1976, sđd., tr. 242, 246.

Chú thích xong lúc 11 giờ 17 phút,
ngày 15.01.2003
(15.01 Q. mùi, năm thứ hai công nguyên Hòa Bình [:HB.3])
.

TRẦN XUÂN AN


Hết tệp 9
(phân đoạn 3)
Xin xem tiếp tệp 10
(phân đoạn 4), truyện kí 10
thuộc TẬP III bộ sách “PCĐT. NVT.”.

0 Comments:

Post a Comment

<< Home